Một lần đi ngang qua TV, tôi nghe thấy anh MC gọi The Beatles là Bít-tờn. Nếu đọc chuẩn /ˈbiːtl̩z/ thì có lẽ nhiều người thuộc thế hệ 7x, 8x chưa chắc đã hiểu đó là ban nhạc thần tượng của mình, vì thời sinh viên khi đó tiếng Anh chưa được dạy sâu rộng và xuất hiện nhiều trên media như bây giờ; kể cả biết là /ˈbiːtl̩z/ thì Bít-tờn đã trở thành một quy ước bất thành văn. Cơ mà, tới giờ anh MC cũng không sửa cách phát âm, chắc do những kỉ niệm đẹp đã in sâu trong tâm trí.
Lần khác, gặp một người Ý, anh đồng nghiệp trò chuyện: “I like La Giô-công of Lê-ô-na Đờ Vanh-xi”, người Ý ngớ ra chẳng hiểu anh bạn đang nói về cái gì. Hoá ra là anh thích bức La Gioconda (Mona Lisa) của Leonardo Da Vinci. Nhưng cũng có những cái tên mà người Việt với người Ý cùng hiểu nhau, trong khi chính người được gọi lại chẳng thưa lấy một tiếng vì không nhận ra “bản thân mình” qua “lời người khác”, như Lewis /ˈluːɪs/ chẳng hạn. “Hey Lê-guýt, này Lê-guýt, anh điếc à?” Một bác dịch giả giới thiệu về Dante thì cứ lặp đi lặp lại “Đăng tờ”. [ˈdante] đâu có khó phát âm đối với người Việt chứ! Chỉ có người TQ vật vã với “r” thôi, chả thế mà sau một hồi lang thang từ Ý tới TQ sang Việt Nam thì Roma biến thành La Mã.
Liên quan một xíu, xưa có cô bạn phát âm tiếng Ý nhưng theo tiếng địa phương Việt Nam, cứ “l” với “n” lẫn lộn nức nở lên, tôi bảo “Cậu ơi, trong tiếng Việt nếu cậu nói nhầm giữa “l” với “n” thì mọi người còn có thể hiểu, nếu cậu nhầm “l” với “n” trong tiếng Ý thì không ai hiểu đâu, họ cũng chẳng có phương ngữ nào tương tự.” Cô bạn khác thì gọi pizza là pi-da, tôi trêu “Cậu định bưng cả tháp nghiêng Pisa về đây à”, cậu cáu “Nếu gọi là [‘pit:sa] thì ở Việt Nam không ai hiểu là gì”, tôi khuyên “Nhưng cậu là giáo viên tiếng Ý thì hãy truyền bá cách phát âm chuẩn”, cậu nản “Chịu thôi cậu ơi!” Giờ mà gọi tên hoàng tử Charles thành Carlo, William thành Guglielmo, George thành Giorgio trong tiếng Ý thì hay nhỉ!
Nên tôn trọng tên riêng, giống như đúng địa chỉ để đến được đúng nơi. Nó cũng như kiến thức phổ thông thôi mà, và là một “chuyện nhỏ” so với sự quan tâm, niềm yêu thích của tôi. Nó còn là quy ước chung của “toàn cầu hội nhập”, nếu phát âm một danh từ riêng duy nhất theo luật phát âm của nhiều thứ tiếng thì bao nhiêu người hiểu được nhau nhỉ?