Mấy bữa nay dân tình xôn xao về điều luật “chê người khác mập, lùn, béo, xấu phải đền bù đến 16 triệu” áp dụng từ 1/7/2020. Các lều báo giật tít như vậy khiến ai nấy giật mình thon thót, vì kiểu gì cũng dính: là nạn nhân, là thủ phạm hoặc cả hai, thành ra người mướt mồ hôi lo cho cái hầu bao, người hả hê như sắp kiếm được tiền đến nơi, người thì “Ôi dào…” (trêu nhau vậy thôi chứ ở đây mọi người chưa có thói quen kiện tụng tưng bừng như Mỹ). Theo tôi tìm hiểu (cũng trên mạng, nhưng nguồn uy tín) thì luật này được suy diễn từ điều
(…) “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;” (…)
của một dự luật rất dài có liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội.
Thiển nghĩ tít này lợi nhiều hơn hại, vì có khả năng khiến mọi người nhìn lại mình và thay đổi cách nói năng sao cho bớt sướng cái miệng một giây mà mếch lòng người khác cả thời gian dài. “Nạn nhân” của những vụ việc chê bai có nhiều phản ứng khác nhau: người khóc rấm rứt vì tủi thân, người nhịn ăn đến suy nhược, thậm chí là tự tử, người lao vào tập hùng hục đến quên đời, người cười hềnh hệch cho qua vì đam mê của họ là ăn uống, người cũng muốn gầy nhưng không thể nhịn đói vì như thế họ không thể tập trung vào công việc trí óc, người không quan tâm vì họ muốn dành thời gian cho những việc khác thay vì đến phòng tập… Hoặc ngược lại, có người được khen “mình hạc xương mai” nhưng thực ra họ bị đau dạ dày kinh niên phải kiêng khem khổ sở, người có cơ thể không dung nạp được một số chất thiết yếu khiến sức khỏe giảm sút, người biếng ăn do trầm cảm, người thì “Thế mà bạn trai em lại muốn em tròn trịa”… Đôi khi mục đích của gầy là chỉ để làm bộ quần áo đẹp hơn chứ không phải để mình đẹp hơn. Người mẫu (hoặc một số lĩnh vực khác đòi hỏi ngoại hình tuân theo chuẩn chung nào đó) phải kiêng khem, tập luyện nghiêm ngặt vì đó là công việc của họ. Có nhiều kiểu đẹp, đâu cứ nhất thiết phải đẹp cơ thể theo công thức (hỏi vui: liệu khi những người đẹp công thức đứng cạnh nhau nhưng bị che mặt thì người thân của họ có nhận ra họ không nhỉ?). Nhìn chung, nên tôn trọng cơ địa, khả năng, sự lựa chọn, mối quan tâm, tiêu chí ưu tiên, mục đích sống của mỗi người; chứ lên bàn cân, đo cơ thể hay đứng trước gương họ thừa biết ngoại hình thế nào, đã thế tinh thần, nội lực của mình thì không một ai khác hiểu hơn chính bản thân.
Tôi có thẻ tập CFYC, nhưng hỡi ôi nó lại thành chuyện phiền phức chứ chẳng vui sướng gì. Cứ bước vào cửa là “một chàng trai trẻ 6 múi giọng ngọt mía lùi xáp lại tưởng có gì vui hóa ra chê bai mình cái eo cái đùi vì chẳng qua chỉ quan tâm đến cái túi”. Đầu tiên, vì phép lịch sự tôi cũng nói năng cho qua chuyện, bảo tập cho vui khỏe thì chẳng ai tin, sau này thấy phiền quá đành bảo lễ tân dặn trước các cậu trai trẻ hoặc nói trực tiếp với họ là tôi không cần PT để đừng ai câu kéo nữa. Đặc điểm chung của tất cả các lần là chê cơ thể tôi thừa cái nọ thiếu cái kia; những tưởng một mình tôi bị chê, ai dè sau này thấy nhiều người vóc dáng như tiên sa cũng bị quây như thế. Đã vậy, sau khi có thẻ này, BĐS, ngân hàng, bảo hiểm, spa, trung tâm tiếng Anh, trường quốc tế… ào ạt gọi đến mời chào; đầu tiên tôi cũng tò mò nghe xem họ nói gì, sau đó nói chỏng lỏn một câu “Tôi không quan tâm” rồi tắt máy, sau nữa tắt luôn không thèm nghe đến nỗi đám missed calls đỏ rực như cánh đồng poppy, sau sau nữa thấy số lạ nhỡ thì khóa, sau sau sau nữa thì chặn luôn số lạ, nhưng chặn hết rồi tôi còn ước ao kiểu quấy nhiễu này cũng phải bị phạt hành chính: vì miếng cơm manh áo, doanh số mà họ tìm mọi cách để người tiêu dùng phải chi những khoản lớn, ngoài ra còn là xâm phạm riêng tư, ăn cắp thời gian. Người quen mà thuộc diện số lạ muốn tìm tôi cũng đâu phải là khó, có tin nhắn, email… đầy rẫy mà, không bị tính là làm phiền vì không ring ring inh ỏi hay mang tính chất vụ lợi, đã thế lại còn vui.
Với tôi thì “béo gầy” là chủ đề khá nhàm chán, quanh quẩn như con gà bên cối xay (hử, nói thế này có bị kết án xúc phạm nhân phẩm người khác hoặc xúc phạm con gà và cái cối xay không?) trong khi cuộc sống có bao điều đáng quan tâm, đáng hành động hoặc đáng thưởng thức. Ngoài đời thực, hiện nay việc chỉnh sửa cơ thể, ảnh chụp đã trở nên bình thường, rủi sao trong hội họa tôi cũng thấy. Dạo qua mấy trang, nhóm tranh thi thoảng bắt gặp những bức cô gái Việt da trắng kiểu Trung Quốc, mí mắt to kiểu Ấn Độ, mũi cao kiểu Pháp, môi mọng kiểu Nam Phi, cằm nhọn kiểu… gọt (vì tôi không biết liệu chủng tộc nào trên thế giới mới lọt lòng cằm đã nhọn hoắt hay không) hoặc đôi chân dài miên man đi ngược với tự nhiên, trong khi thực ra tác giả chỉ muốn tả vẻ đẹp của một cô gái chứ chẳng liên quan gì đến đương đại, hiện thực hay phê phán đả kích. Đáng tiếc là hình thức “nhân tạo” ngày càng được coi trọng, bởi nhiều vấn đề xã hội, trong đó có mục đích tối ưu hóa lợi nhuận thu về của các cơ sở làm đẹp, bao gồm body shaming theo cách nào đó.
Về khen chê nói chung, tôi từng học, làm việc và nói chuyện với nhiều người, tính theo quốc tịch thì thuộc nhiều nước (Á, Úc, Âu, Mỹ). Người Việt có người nọ người kia, ai cũng “trải nghiệm” rồi nên tôi không bàn thêm nữa, còn lại hầu như không một người nước ngoài nào chê tôi mà có cách làm tôi hiểu tôi nên sửa gì, thế nào, trừ hai người: một người luôn nói thẳng vì muốn tôi tốt lên, một người chê đủ đường do chúng tôi quá xung khắc trong tư duy làm việc và một số điều khác mà đồng nghiệp của tôi biết. Kể điều này ra không phải ý tôi muốn thể hiện mình là người hoàn hảo, thực ra tôi vẫn luôn là tôi ở trước bất cứ một ai, tôi có nhiều ưu điểm nhưng cũng nhiều nhược điểm không kém, vấn đề ở chỗ “văn hóa phê bình” của mỗi người khác nhau.
Từ những kinh nghiệm này, tôi thường chia sẻ cho con gái tôi chọn cách truyền đạt cho một nội dung sao cho cả hai bên đều vui vẻ, có động lực (cải thiện hoặc tiến triển). Để nhận biết người ta đang khen hay chê, ngoài lời lẽ ra cần để ý đến thái độ, ánh mắt và nụ cười của họ, nên tôi chưa suy ngược lời nói của người ta có hàm ý gì mà chỉ gợi ý cho con một số cách nói đơn giản, nhưng nhất định là phải thật lòng, ví dụ đối với một bức tranh:
- Ôi đẹp quá (phản ứng đơn giản nhất khi thấy nó đẹp)
- Ước gì tôi được ngắm nó mỗi ngày (yêu tác phẩm đẹp)
- Ai được sở hữu bức tranh này quả là vinh dự (khen tác phẩm xuất sắc)
- Sẽ còn đẹp hơn nữa nếu… (đối với người thân, bạn bè, khi muốn khuyến khích họ làm tốt hơn)
- Cứ tiếp tục rèn luyện đi nhé, có khiếu đấy (chê nhẹ)
- Ý nghĩa của nó là gì? (chê vừa)
- Có lẽ không hợp gu của tôi (chê mạnh)
Cuối cùng, xin trích mấy “ngôn tình” liên quan đến việc “chê” (tự hỏi sao cứ phải yêu đương mới nói những lời này, sao không nhân rộng ra cho người thân, bạn quý?):
- Em không hoàn hảo, nhưng em là tất cả những gì anh muốn.
- Anh yêu tất cả những gì em không hài lòng về bản thân.
- Anh chấp nhận con người thật của em và không bao giờ muốn thay đổi em thành một người khác.
- Anh từng thấy em là người hoàn hảo và đã yêu em. Nhưng sau đó lại thấy em không hoàn hảo, thế nên anh lại càng yêu em hơn.
- Anh yêu tất cả những gì thuộc về em. Khuyết điểm, lỗi lầm, kiểu cười, kiểu đùa, kiểu châm chọc. Tất cả mọi điều. Vì đó mới là em.
- Anh không hoàn hảo. Anh sẽ quấy nhiễu em, làm em phát cáu, nói lời ngớ ngẩn, và mãi chẳng sửa được. Nhưng trừ những điều đó ra, em sẽ không thể tìm đâu trên thế gian này một người nào yêu thương em hơn anh.
Trong một mối quan hệ thực sự, dù có sóng gió, bão tố, cãi vã, làm tổn thương nhau nhưng họ vẫn không thể xa nhau vì tình yêu luôn giành chiến thắng.