Nhân dịp bị càm ràm là “khôn nhà dại chợ” cách đây không lâu vì tội không biết mặc cả, mình viết ra đây vài dòng “gọi là”.
1. Lý do rất đơn giản thôi, đó là mình không thích “văn hóa” mặc cả. Nó gần giống trò đỏ đen đối với người thiếu kinh nghiệm mua bán, trò thách đố không công bằng dựa trên xét đoán cảm quan của người bán hàng, sự không tin tưởng nhau từ cả hai phía.
Mình kể chuyện này, có thể không mấy ai tin. Một buổi chiều vào phố cổ mua sắm với một anh lương khủng. Sau cả tiếng đồng hồ lượn khoảng 10 cửa hàng, anh ấy đã mua được món đồ anh ấy cần, tỏ ra rất hoan hỉ vì đã mặc cả được hơn so với 9 cửa hàng trước một khoản bằng 1/10.000 mức lương tháng của anh ấy: “Em thấy không, chỉ cần bền bỉ một chút!” Lúc ấy mình thực sự sửng sốt, vì mức lương một giờ làm việc của anh ấy gấp 60 lần số tiền mặc cả được nhiều hơn trong vòng một giờ. Nhưng sau đó, theo những gì mình hiểu được về anh ấy thì mình có thể tự lý giải thế này:
– Mặc cả là sở thích của anh ấy, nó đem lại cho anh ấy niềm vui, giải tỏa căng thẳng.
– Tính của anh ấy là kiên trì theo đuổi mục tiêu mình đã đặt ra.
– Bệnh nghề nghiệp của anh ấy là luôn muốn mua được mọi thứ ở mức giá sát nhất có thể.
– Ngoài giờ làm việc, anh ấy không trực tiếp làm cho đồng tiền sinh sôi nên không thể quy chiếu so sánh kiểu mình đã nghĩ được.
Còn mình thì gần như trái lại hoàn toàn; có hơi giống ở điểm thứ hai nhưng những mục tiêu của mình thường là không có hình hài cụ thể cân đong đo đếm được.
Dĩ nhiên mình vẫn tôn trọng những người bán hàng thích đòi thách và những người khách hàng thích mặc cả vì họ không phạm luật và họ chấp nhận nhau.
Một tiếng, bất cứ ở đâu và thời điểm nào, đối với mình cũng đều quý báu. Một tiếng kia ư? Không phí đâu: chiêm ngưỡng nghệ thuật mặc cả của anh ấy và phản ứng trái chiều hiện lên trên giọng nói, nét mặt, cử chỉ… của những người bán hàng cũng là điều hết sức thú vị.
2. Trường hợp cụ thể của mình như đã nêu ở trên: thứ mình mua là nguyên liệu cơ bản. Nó là thứ vật chất được sản xuất hàng loạt nên giá thành nếu có cao đến mấy thì cũng vẫn là thấp; nhất là khi mình đang hào hứng thực hiện ý tưởng tinh thần thì việc tiết kiệm 20k trong trường hợp mặc cả thành công thực ra lại là một thất bại vì nó dìm mất nguồn cảm hứng. Mà chấp nhận trả phần lãi cao hơn một chút cho người ta thì có sao đâu, người ta cũng phải lao động.
Không chỉ riêng đó là chuyện mua chất liệu cơ bản; nhìn chung mình không thích mua bán trong phố cổ, một chốn ồn ào, chật chội, đông đúc đầy rẫy những bon chen; phải mua gì thì cố mua thật nhanh để thoát khỏi. Mình chỉ thích phố cổ xưa mộc mạc hiện lên trong những tản văn, câu hát, bức họa… của các bậc tiền bối. Mình từng viết một số bài hát liên quan đến phố cổ, nhưng chúng man mác tiếng thở dài khi nghĩ đến những gì đã mất. Câu duy nhất về phố cổ ngày nay là “nắng dệt tơ vàng trên mái tường nâu” mà mình tình cờ được ngắm trên phố Mã Mây vào một chiều thu năm ngoái.
3. Không thích mặc cả nhưng cũng không bài trừ được “văn hóa” mặc cả, thế thì không cổ xúy cho nó, bằng cách:
– Chọn những cửa hàng có niêm yết giá.
– Sang cửa hàng khác nếu bị hét giá quá cao.
(thế nhưng trong trường hợp cần kíp hay thấy người bán hàng dễ thương thì cũng vẫn mặc cả).
Nhân tiện nói đến “cổ xúy” và “bài trừ”, mình muốn đề cập tới chuyện HNH đang râm ran những ngày gần đây. Cũng như cách ứng xử với chuyện đòi thách, mình không cổ xúy giới truyền thông trong vấn đề đời tư của giới sao nên không đọc tin hay đưa ra bình luận – vì như vậy, ngoài việc tốn thời giờ vô ích, như bao người, mình còn góp thêm cho bọn họ tí gạo, tí củi lửa để bọn họ tiếp tục no say lũng đoạn. Mình có biết điều đó bởi một số bạn bè của mình chia sẻ trên mạng xã hội và mình vô tình đọc được tiêu đề, còn đâu mình không biết gì khác về cô ta ngoài gương mặt trang điểm sắc nét, là người mẫu kiêm ca sĩ, có đứa con với C$ giàu có dù ngày xưa bị mẹ anh ta cấm đoán. Thế nên nên không quan tâm hay đoán mò cô ta xấu hay tốt, chuyện họ bỏ nhau là thật hay giả, tâm trạng cô ta lúc này là buồn hay vui… mà chỉ nhận định là câu chuyện đã và đang bị bóp méo xiêu vẹo trong một quá trình lâu dài bởi truyền thông. Liệu trước kia cô ta có quyết tâm đến với anh ta nếu không gặp phải sự cấm đoán của bà mẹ, trước cơn lũ của hàng hà sa số bong bóng truyền thông ảo nhưng thật, thật nhưng ảo được nuôi sống bởi đông đảo công chúng dễ dãi và hời hợt? Có thể cô ta đang tiếc cho sự hiếu thắng của thời ngựa non háu đá, muốn thách thức tất thảy và đạp lên dư luận để đạt được ngôi vị không ai sánh kịp.
Đẹp và giàu chỉ là hai trong số rất nhiều những yếu tố xứng đáng được tôn vinh; chúng không bao giờ là tất cả và hoàn toàn không phải quan trọng nhất. Đẹp và giàu mở ra những cơ hội rất tốt nhưng cũng vô tình đóng lại một số cơ hội khác. Chẳng hạn, liệu có chắc rằng người ta đến với mình bằng trái tim chân thành, người ta yêu chính con người thật của mình? Mối nghi hoặc này day dứt đoạn trường đến nỗi các nhà làm phim, nhất là Hàn Quốc, phải dựng lên những câu chuyện kiểu cô bé Lọ Lem, mắc bệnh ung thư,… đại loại là những hoàn cảnh cực kì tréo ngoe, đối lập để cố gắng cho khán giả thấy một tình yêu đích thực.