Ghế công viên

Ghế công viên

Một ngày hè, tôi ngồi ghế băng công viên, dưới bóng liễu rủ. Tôi chọn ⅓ phía trái, phòng khi có ai mỏi gối ghé vào sẽ ngồi ⅓ phía phải.

Vừa yên vị được vài tích tắc thì có cô gái mặt hoa da phấn nước hoa bê bết không gian tiến lại ngồi huỵch một cái, khiến tôi dù đã chuẩn bị tinh thần vẫn giật bắn mình.
“Vâng em đây anh.” Giọng thánh thót như chuông pha lê.
(…)
“Dạ, vâng, vâng, vâng, em hiểu anh ạ. Thế anh nhé, em chào anh. Anh phải vui lên đấy, không thì em sẽ buồn lắm anh ơi!”
Vừa kết thúc cuộc gọi một cách có dụng ý, bởi hẳn là nỗi kiên nhẫn đã tanh bành, mà phía cô nàng chỉ thi thoảng điểm tô đôi ba tiếng “ting ting” quẩn quanh như vậy, cô nàng hỉ hả nhảy lập tức vào cuộc gọi khác.
“Thằng nghẽo vừa đá con dẹo rồi mày ạ.”
Thế rồi, có vẻ như sực nhớ trên ghế còn có tôi, cô gái lại nguẩy mông đi lang thang để nhỡ tôi hay ai có nghe ngóng thì cũng chỉ câu được câu chăng.

Chốc nữa, một bà lão xuất hiện nhẹ tựa làn gió, ngồi xuống cũng nhẹ tựa chiếc lá đáp xuống cánh hồng. Ngạc nhiên thay, tôi vừa mang cánh hồng ra ví von thì một chú ong từ đâu đậu xuống phần ghế trống ở giữa. Nhưng điều xảy ra sau đó còn làm tôi sửng sốt hơn. Bà lão nín thở khom người rút một chiếc dép rồi hết sức bình sinh giáng cái bẹt một phát khiến chú nhuyễn như cua đồng trong cối đá. Bà lão rạng ngời phấn khởi với chiến công oanh liệt này, chốt hạ bằng cú hẩy đống bầy hầy ấy xuống mặt bê tông ấm nồng một cách đầy quyết đoán.

Sau khi bà lão đi khỏi thì một người đàn ông trung niên dẫn theo đứa bé chừng 7, 8 tuổi tới.
“Thế là con sẽ không được nằm giữa bố mẹ nữa.” Cô bé thút thít.
“Con lớn rồi mà, tập ngủ riêng đi chứ. Con lại còn có em Bonbon cùng phòng.”
“Nhưng con có quen em đâu?”
“Rồi sẽ quen, em đáng yêu lắm, chắc chắn con sẽ thích em.”
“Làm sao ba biết được?”
“Ba biết chứ, gì cũng biết, ba lớn rồi mà. Ngoài em Bonbon ra con còn có thêm bao nhiêu người thân mới. Gia đình phình to lên và con lại càng được nhận nhiều yêu thương. Giờ con có tất cả mấy ông bà, bố mẹ và anh chị em rồi nhỉ?”
“Dạ 8 ông bà, 4 bố mẹ và 3 anh chị em ạ.” Cô bé nhẩm tính, mắt long lanh vì nỗi khấp khởi vừa ánh lên cộng giọt nước mắt còn vương từ ban nãy.
“Thế thì phải vui lên chứ nhỉ.”
“Vâng nhưng…”
“Ba cho con đi ăn kem nhé!”

Nhân vật tiếp theo là cô nàng váy hoa giản dị mặt mũi cũng chả đến nỗi nào cầm cuốn sổ cây bút đến nhỏ nhẻ.
“Chị ơi em làm phiền chị một chút được không ạ?”
Chẳng biết cô nàng định làm phiền gì nhưng tôi phủ đầu ngay.
“Chị không có thời gian em ơi”.
Chắc lúc đó trông tôi nghiêm túc lắm nên cô chuồn ngay, quên cả chào cho tròm trèm phép xã giao xã hội, chắc đang phải kiếm cho đủ chỉ tiêu đa cấp đây mà, mỗi tội chưa tích lũy đủ kinh nghiệm câu kéo, dù chưa hẳn tôi là con cá háu đói.

“Chị ơi đánh giày không?” Một cậu thiếu niên đen nhẻm đến trước mặt tôi nài nỉ.
“Chị chỉ có dép thôi.”
“Dép em cũng đánh.”
“Chả tác dụng gì.”
“Em đánh cho bóng lộn lên ruồi muỗi bu vào có mà trượt chân ngã gãy cổ cả loạt.”
“Khiếp ví von kinh thế.”
“Thế trai chúng nó thấy dép chị chúng nó chạy mất dép.”
“Uầy chết chết chết…”
“Em hết bài rồi đấy. Chị có đánh không?”
“Không em.”
Cậu không phản ứng gì, lẳng lặng đi tiếp. Chắc quen bị từ chối rồi.

Thêm một tiếng uỳnh nữa, khiến cái bàn tọa của tôi nảy dựng lên. Lần này thì rất logic vì tác giả là một thằng bé tròn như con quay, chắc cũng vừa quay thật vì thở hồng hộc tưởng sắp đứt hơi. Theo sau nó là một bà rít lên chằng chằng.
“Tổ sư, chạy tiếp đi, chưa được nửa vòng đã lăn đùng ra như súc thịt ấy. Mày nhìn con người ta kìa, đứa nào đứa nấy thoăn thoắt như chim se sẻ thế kia…”
“Thế sao mẹ không đẻ ra con nhà người ta mà lại đẻ ra con?”
“A đồ bất hiếu, biết mày thành ra thế này ngày xưa tao đã không rụng cho đỡ nhọc người.” Bà mẹ mắt càng long sòng sọc, ráng sức kéo thằng bé dậy, thúc phát vào mông ủn nó chạy tiếp, chắc cũng phải ngang lực đạp con Honda tồng tộc với ước vọng bỏng cháy rằng nó sẽ nổ roành roành phóng rầm rầm tắp lự.
“Trước nhồi mình như nhồi ngỗng giờ bắt chạy như ngựa lại còn mắng là ngu như bò.” Thằng bé lầm bầm bất lực trong cơn tái phì phò.

“Em ơi mua gì cho chị đi!” Một chị địu đứa nhỏ chắc chưa đầy một tuổi mũi dãi lấm lem đầu ngoặt sang một bên ngủ tít mắt giơ mẹt hàng mời chào.
“Em có hết rồi chị ạ!” Tôi nhắc lại một câu đã cũ rích.
“Thì mua ủng hộ một thứ gọi là đi.”
Tôi ngắm nghía cả một lượt không biết phải mua cái gì trong số bấm móng tay, bông ngoáy tai, kẹo cao su, chun buộc tóc…, vì mua mà không dùng đến vừa phí vừa gây ô nhiễm môi trường. “Hay là cho chị ấy ít đồng nhỉ? Nhỡ chị ấy tự ái thì sao, chị ấy đâu có đi ăn xin? Mà như này cũng chẳng khác nào góp phần khuyến khích sự gây phiền toái nơi công cộng…” Chắc tôi phân vân lâu quá mà lúc này mặt trời đã lên cao, chị tỏ vẻ sốt ruột.
“Mua đi em, đáng mấy đâu!”
“Ừm thôi chị, em không mua gì.”
“Người ngợm thế kia sao mà bủn xỉn quá!” Chị lẩm bẩm trong lúc quay đi.

Tôi đang miên man nghĩ xem liệu mình làm vậy có vô tâm hay thậm chí là vô nhân đạo không thì một đôi trẻ mặt búng ra cả lít sữa chủng chẳng đi tới. Cô gái giậm mông cái roành xuống phần giữa, chàng trai lon ton ngồi sang ⅓ phía phải, nghoe nguẩy như chú mèo con.
“Em ghen à?”
“Vớ vẩn, có yêu đâu mà ghen.”
“Cái gì? Em không yêu anh á?”
“Ờ, em đã bao giờ yêu anh đâu, đừng có mà giàu trí tưởng bở.”
“Nhưng anh cứ yêu em đấy thì sao nào?”
“Chẳng liên quan. Kệ.”
“Thế anh quay lại xin số cô đấy nhé.”
“Cấm.”
“Liên quan gì mà cấm.”
“Quyền.”
“Anh cũng có quyền chứ.”
“Nhưng quyền đó không được.”
“Sao không được? Không yêu thì không có chủ quyền trên bất cứ bộ phận nào của anh, kể cả một sợi tơ tưởng.”
“Ừ thì yêu.”
“Thế hôn anh một cái đi.”
“Cái anh này, lỡm vừa thôi, ở đây bao nhiêu người.”
“Vậy mình về nhà nhé.”
“Nhà ai? Đâu cũng đông.”
“Nhà mát vậy.”
Có vẻ như lời mời đã bắn trúng tim cô gái, họ lại dắt díu nhau đi.

Tôi còn chưa hết ngây ngất thì một đôi vợ chồng dẫn theo đứa con nhỏ dừng lại nghỉ chân. Cô vợ đặt thằng bé xinh xắn vào ⅓ ghế phía phải rồi ngồi chính giữa, còn anh chồng thì chịu đứng lom dom bấm bấm điện thoại choành choạch. May sao sau khi cô rung đùi chừng đôi ba phút trong lúc cưng nựng thằng bé thì anh chồng giục đi. Chắc hàng ngày thằng bé ngủ cũng ác chiến đây, vì sức mẹ nó rung quá đỗi nhiệt liệt, lắc lư cả ghế.

Thế rồi một chàng trai người ngợm khúc nào ra khúc đấy múi nào ra múi đấy đang chạy bộ từ đằng xa bỗng giảm dần tốc độ và tiếp cận thành ghế, tận dụng nó làm trò chống đẩy, như thể tôi là người vô hình, khiến cả cái ghế rung lên bần bật, đến nỗi mấy ca trước chỉ sánh được với muỗi dĩn, làm tôi cứ há hốc cả mồm ra. Sau vài cú chống đẩy của chàng trai thì tôi lấy lại được chút bình tĩnh, lẩy bẩy đứng dậy để đào thoát, nhưng không phải vì nóng hết người mà là lạnh cả xương sống.

Tự an ủi thôi thì số mẫu thống kê nãy giờ ít quá, sẽ chẳng viết được thành bản báo cáo nào ra hồn, cho nên không được phép định kiến cái ghế công viên. Cơ mà cũng ngán không dám kiếm thêm mẫu nữa, và từ lần sau sẽ ngồi lên cỏ, đá tảng hoặc vỉa hè. Hứa đấy.

Đọc sách công viên vất vả ghê. Kiếm chác đề tài viết truyện ngắn thì lại nhàn quá.