Q: Hi there!
A: Xin chào, hôm nay chúng mình nói tiếng Việt nhé.
Q: Sao thế? Mọi lần nói tiếng Anh cơ mà? Lần này không lọc nữa à?
A: Ha, vẫn lọc đấy. Lọc đối tượng khác và lọc theo kiểu khác. Nói vậy thôi, đối với ai quan tâm thì dù tôi viết tiếng gì cũng có công cụ dịch mà, cho dù sự cấu thành của tiếng Việt khá là đánh đố so với nhiều ngôn ngữ khác. “Read the lines” thời nay dễ rồi, “read between the lines” mới là khó.
Q: Úp úp mở mở chóng cả mặt.
A: Cứ hỏi đi, rồi sẽ thấy cái gì tôi muốn úp cái gì tôi muốn mở. Tôi không thích bị hỏi nhiều nên muốn trả lời một lần cho xong.
Q: Nghĩa là tôi có thể hỏi mọi câu hỏi?
A: Đúng vậy, còn từ chối trả lời cũng là quyền của tôi.
Q: Điều gì bạn không muốn trả lời?
A: Chính là câu hỏi này.
Q: Nhưng phải biết để tránh chứ?
A: À ha, đây là một trong những thiếu sót lớn của tôi. Nhiều lúc tôi không nói ra vì cứ nghĩ ai cũng như mình hoặc hiểu mình. Một trong những điều tôi kiêng kị là vấn đề riêng tư.
Q: Sao vậy?
A: Trên đời này nhiều người có sở thích thêu dệt nhưng không phải ai cũng khéo tay. Tôi không muốn giao sợi đời tôi cho họ vì không muốn nhận lại sản phẩm lỗi hoặc kém chất lượng.
Q: Thế khi có ai đó trực tiếp hỏi bạn điều này thì sao?
A: Vì phép lịch sự, tôi vẫn sẽ trả lời, nhưng trả lời như thế nào thì tùy vào người hỏi là ai.
Q: Tỉ dụ?
A: Ai hỏi tôi về “người ấy” chẳng hạn, tôi sẽ trả lời “Người ta là điệp viên nên tôi không được tiết lộ danh tính”. Hy vọng cách này không gây nguy hiểm như việc đe dọa có bom ở đâu đó mà vẫn có thể tắt nguồn người hỏi.
Q: Như vậy là nói dối?
A: Chắc gì. Định nghĩa về một từ của mỗi người không phải lúc nào cũng hoàn toàn trùng khớp. Dù sao đi nữa, tôi nghĩ sẽ chẳng ai hỏi định nghĩa “điệp viên” của tôi là gì, vì câu trả lời như thế là đủ ý.
Q: Nếu đó không phải là nói dối thì cũng là giấu diếm.
A: Tôi không giấu diếm, mà đó là tôn trọng và bảo vệ sự riêng tư. Đối với tôi, sự riêng tư là một điều thiêng liêng.
Q: Nếu có người đụng vào nó khi bạn không cho phép?
A: Khinh bỉ. Tôi có cảm giác nặng nề như vậy, cho thấy tôi trân trọng sự riêng tư của mình như thế nào.
Q: Bạn nói cứ như thể bạn là siêu sao bị cả thế giới soi mói ấy nhỉ?
A: Tôi cứ nói vậy thôi, giống như ném đá bụi rậm ấy, trúng thì không lấy gì làm vui mà không trúng cũng chẳng tội gì phải buồn. Mà kể cả chỉ có một người soi mói thì cũng tính là tồn tại rồi.
Q: Nếu như vậy bạn có quá phụ thuộc vào suy nghĩ và hành động của người khác không? Người ta sẽ lợi dụng điều này để chọc ngoáy bạn.
A: Thế thì nhờ điều này tôi sẽ lọc bớt được đối tượng và dành nhiều thời gian cho những người phù hợp hơn thôi.
Q: Mà bạn đã tiết lộ người ấy của bạn là điệp viên rồi còn gì?
A: Tôi vừa “ném đá bụi rậm” nhưng không dại “lạy ông tôi ở bụi này” đâu nhé. Nãy giờ tôi bịa đấy, ai lại tự đặt mình vào nỗi nghi ngờ như thế. Giờ đây mọi người đã dần có ý thức là không nên hỏi về chuyện đó rồi.
Q: Vậy là bạn vừa khó tính lại vừa phức tạp.
A: Tôi công nhận điều này.
Q: Thế thì bạn sẽ rất thiệt thòi, vì nó sẽ thắt con tim của bạn lại và làm bạn ngạt thở.
A: Ha ha đến mức đó cơ à? Trông tôi có vẻ thiếu sức sống lắm sao?
Q: À không, tôi chỉ đoán bên trong con người bạn là như vậy.
A: Chớ đồn đoán và phóng đại, theo thống kê thì lời đồn về tôi có tỉ lệ thiếu chính xác rất cao; điều tồi tệ hoá ra lại là thứ chăm bón khá tốt cho vườn hoa trong tôi.
Q: Nghĩa là phải có điều tồi tệ thì bạn mới sống được?
A: Sau khi phóng đại thì bạn lại đi quá xa. Với sương đêm, nước sông, nước suối thì tôi còn rực rỡ hơn và đương nhiên nếu được chọn thì tôi chọn chúng. Có điều cuộc đời luôn bày ra những sự đối nghịch mà không phải cứ muốn chọn điều tích cực là được, ta chỉ có thể xoay chuyển hoặc giảm nhẹ sự tiêu cực thôi.
Q: Hẳn là bạn đã rút ra nhiều điều từ cuộc sống?
A: Quả vậy. Tôi đã gặp những con người có tính cách, số phận, hoàn cảnh, địa vị… khác nhau nhưng cách sống, cách nhìn nhận cuộc sống và bề ngoài của họ lại không hoàn toàn logic theo lẽ thông thường. Và tôi thẩm thấu, chọn lọc.
Q: Thế bạn phải là người hoàn hảo lắm?
A: Không hề. Tôi có cực kỳ nhiều nhược điểm, chia ra thành nhiều loại: nhận thức được, không nhận thức được, có cố gắng khắc phục, chưa bao giờ muốn khắc phục…
Q: Bạn không ngại bị chê à?
A: Trước đây thì có ngại, nhưng giờ thì miễn dịch vì bị chê quá nhiều rồi, ha ha.
Q: Bạn hay bị chê vì điều gì?
A: Bị chê là chậm chạp trong công việc chẳng hạn, nhưng tôi có lý do của mình, nói đơn giản tôi làm gì cũng kĩ để tiết kiệm thời gian cho mọi người và cả chính tôi.
Q: Tại sao lại tốn thời gian mà lại tiết kiệm được thời gian?
A: Vì đầu tư thời gian làm kỹ càng thì không phải sửa đi sửa lại nữa và mọi người nhanh chóng hiểu những gì mình trình bày.
Q: Mọi người đón nhận như thế nào?
A: Cũng tùy người thôi, có cả tán dương hoặc chê bai, vì không phải ai cũng giống nhau về nền tảng kiến thức, khả năng tư duy, hệ tư tưởng, nhu cầu sử dụng và cung cách ứng xử.
Q: Đó là chuyện công việc, còn sở thích hay việc riêng thì sao?
A: Vẫn chậm thôi, vì tôi thích sự độc đáo. Đã thế, thật chẳng may, tôi còn thích sự đa dạng, nên mỗi thứ tôi làm ra đầu tiên là khác của người khác sau đó là khác của chính tôi.
Q: Thật sao? Lúc thì tôi thấy bạn phóng khoáng, lúc lại tỉ mẩn…
A: Có người khuyên tôi nên chọn một phong cách riêng, nhưng tôi không làm điều đó mà vẽ hoặc viết bất cứ cái gì tôi thích, như cơn gió ngẫu nhiên mang cái hạt ngẫu nhiên đến một miền đất ngẫu nhiên và lên mầm đâm chồi nở loài hoa ngẫu nhiên. Tôi không có hoài bão được mọi người nhớ đến vì những gì tôi tạo ra mang cùng một đề tài, một kiểu cách xuyên suốt, bởi nó sẽ làm tôi chán điên lên mất. Với tôi, đó mới là tự do.
Q: Nếu vậy thì bạn là ai?
A: Chẳng là ai cả. Cứ cho là vậy thì đỡ phải mang nặng điều gì trong đầu. Câu trả lời của tôi cho “hiện tại bạn đang làm gì” thay đổi xoành xoạch theo thời điểm.
Q: Nhưng hẳn là bạn có lối vẽ hoặc viết yêu thích?
A: Phải rồi. Về vẽ, tôi thích dùng những bộ màu tương đồng, lượt từng nét cọ nhanh và mỏng chồng lên nhau, như chuyển động của vũ ballet, những hạt sắc tố li ti của mỗi cánh hoa hay ánh bình minh, ánh hoàng hôn thay đổi từng khoảnh khắc, những nếp voan mỏng tang xuyến xao va vào nhau như những con sóng, hay những đường cong chiaroscuro ẩn hiện vào nhau. Cũng như vậy, trong thơ ca tôi ưa dùng từ láy, tượng thanh, tượng hình, sự duyên dáng, tinh tế… Bởi vì cảm xúc không theo một khuôn mẫu hay công thức mà biến đổi muôn hình vạn trạng theo thời gian và không gian.
Q: Vậy những tác phẩm của bạn khá phức tạp?
A: Tranh của tôi khá đơn giản, không phải do tôi lười suy nghĩ hay hành động, mà tôi thiên về cảm xúc; với tôi thì có những sự đơn giản còn khơi gợi được nhiều tưởng tượng hơn sự phức tạp, và trong xã hội ngồn ngộn vật chất hiện nay, đơn giản mới là điều hiếm hoi.
Q: Chắc bạn vẽ rất nhiều?
A: Không hề. Tôi không năng suất đâu. Vì ngoài việc chỉ vẽ điều mình cảm, tôi còn suy nghĩ đến tính bền vững, tức là vẽ ra rồi thì mình yêu trọn đời chứ không chỉ mấy ngày đã chán, tiếp nữa là tôi muốn nói theo ngôn ngữ của mình.
Q: Bạn cũng không đưa những vấn đề chính trị xã hội vào tranh?
A: Hoàn toàn không. Tôi không có khiếu làm điều đó nên tôi không cố gắng. Vả lại, tôi yêu cuộc sống nhẹ nhàng, dành thời gian thưởng thức nghệ thuật.
Q: Nghĩa là bạn không quan tâm?
A: Có chứ. Quan tâm là một chuyện, khả năng lại là chuyện khác.
Q: Nhưng càng đơn giản càng dễ giống ai đó.
A: Có vẻ như vậy, quan trọng là trước và trong khi vẽ bạn đã nghĩ như thế nào về tác phẩm đó, cùng với sự kết nối giữa tác giả và tác phẩm. Đã thế, cho dù cùng một chủ đề nhưng nhìn theo góc độ khác, nói theo cách khác thì tác phẩm sẽ khác. Giống như mọi người cùng dùng một bảng chữ cái 26 mẫu tự viết bài 200 từ về đề tài tình yêu, nhưng kết quả mỗi người sẽ khác nhau và nói lên được phần nào về họ.
Q: Trong công việc bạn đề cao điều gì và không thích điều gì?
A: Nhìn chung, trong mọi điều, tôi đề cao sự tôn trọng và trân trọng. Về hội họa (cũng như các loại hình sáng tạo khác), tôi dị ứng với việc người khác xin tranh, không nhận đặt hàng tranh và không thích khi bị so sánh giống hay không giống, và tôi cũng hiếm khi tặng tranh.
Q: Bạn có thể giải thích rõ hơn không?
A: Việc xin tranh, chắc hẳn họ không để ý tôi cũng phải dành thời gian suy nghĩ và thực hiện như họ làm công việc của mình hoặc họ nghĩ đơn thuần sự đầu tư cho một “tấm tranh” chỉ ngang một trang viết chính tả của trẻ con (dù tôi hạnh phúc được làm điều yêu thích; đã thế, như tôi đã nói ở trên, tôi không “đẻ” nhiều như gà). Việc đặt hàng tranh, tôi không thích sự khiên cưỡng nên không nhận, vả lại nếu vẽ theo ý họ thì có hàng nghìn người còn vẽ tốt hơn tôi. Việc so sánh giống hay không giống cũng đừng nên áp vào tôi, tôi không có ý định truyền thần mà là truyền thần thái. Việc tặng tranh, chắc hẳn phải yêu quý ai đó lắm tôi mới thể hiện cảm xúc của tôi về họ và trao họ, ngoài ra cũng có chuyện tôi cũng quý người ta nhưng không tặng tranh vì biết đâu bản thân tôi thích bức tranh đó như con thuyền trên biển nhưng đối với người ta, nó vô giá trị như con thuyền trên sa mạc.
Q: Nhưng có khi con thuyền trên sa mạc lại mang nhiều hàm ý hơn con thuyền trên biển.
A: Bạn lẫn lộn cách ví von rồi. Nói cách khác, tôi muốn có sự đồng điệu về cảm xúc.
Q: Bạn có đang đòi hỏi khắt khe?
A: Không hề. Cảm xúc là cái duyên, không phải là sản phẩm hữu hình. Tôi cũng không hay đòi hỏi vì tôi thích bản thân tự lập và sự tự nguyện giữa những con người với nhau. Tuy nhiên, nói đến đây bỗng dưng tôi lại nảy ra một đòi hỏi.
Q: Gì vậy? Tôi có tội tình gì sao lại đòi hỏi tôi?
A: Tôi không đòi bạn hỏi nhưng bạn vẫn hỏi đấy thôi, cho nên giờ đến lượt tôi được đòi hỏi kết thúc cuộc nói chuyện này. Hẹn lần sau nhé!
Q: Chờ đã, cho tôi hỏi nốt một câu được không?
A: Đừng quá khó đấy nhé!
Q: Thế bạn đang làm gì với tranh của mình?
A: Vẽ và ngắm. Tôi có bán nhưng chưa đẩy mạnh vì vẫn muốn ngắm hàng ngày, như những “cục cưng” của mình. Đơn giản vậy thôi.
Q: Chào thân ái, chúc may mắn!
A: Cảm ơn, chúc một ngày vui!