Tổ của tớ

Tổ của tớ

Tớ gọi cái phòng của mình là CÁI TỔ. Nó sẽ không chạnh lòng đâu. Vì đúng là giống cái tổ thật. Tớ lại càng không chạnh lòng. Bởi tớ yêu nó. Nó bé lắm, bé như một cái tổ. Từ câu này trở đi tớ không làm phép so sánh với cái tổ nữa: nó chính xác là cái tổ. Bề ngang chứa vừa một cái cửa sổ, tớ hầu như luôn mở cửa sổ nên được tiếp xúc triệt để với thế giới bên ngoài. Cửa sổ này chinh phục tớ ngay từ cái nhìn đầu tiên (kiểu tiếng sét ái tình ấy!!!). Chẳng là thế này, sau một vài vụ hẹn hò qua điện thoại với những người muốn cho thuê nhà, tớ khăn ví (thường thì người Việt mình dùng từ “khăn gói”, nhưng trong trường hợp này tớ muốn gọi sát nghĩa: tớ quàng khăn thật ấm vì trời rất lạnh, lạnh lắm, ai biết sẽ phải lang thang trong bao lâu; tớ mang ví theo vì có thể tớ sẽ tìm được căn phòng ưng ý, ai biết sẽ có người nhanh tay hơn tớ) rồi khấp khởi lên đường.

Nhẽ ra tớ lôi cổ gã thổ địa dậy, bắt gã dẫn đường chỉ lối cho con bé tắc ngơ (hơ hơ, từ này có vẻ không thông dụng lắm, nhưng tớ xin thề là mẹ tớ hay gọi tớ thế). Khốn khổ thay gã vừa vui thú với các người đẹp, lăn quay ngủ say như con tuổi gã. Í chà, cách gọi gã của tớ không dựa theo hình dáng bên ngoài hay cái phận sinh ra đã thế đâu nhé, như kiểu em gã gọi gã bằng chị, cháu gã gọi gã bằng cô, con của cháu gã gọi lão bằng bà, cháu của con gã cũng gọi lão bằng bà, thậm chí bà cố… mà dựa vào fnhững hoạt động yêu thích của gã: ăn cùng người đẹp, chơi cùng người đẹp, buôn cùng người đẹp và ngủ cùng người đẹp. Đề tài này tớ sẽ còn khai thác nhiều, nhưng giờ chưa phải lúc. Tớ phải tập trung vào chuyên đề. Như tớ đã nói ở trên, tớ chỉ là lính mới tò te. Tớ không chờ sự giúp đỡ của gã không phải vì tớ thiếu kiên nhẫn (tớ có thừa ấy chứ!), mà vì tớ ham thách thức. Bất cứ cái gì có thể thách thức là tớ thách thức, và đối thủ truyền kiếp của tớ là chính mình.

Tớ kể tiếp đây. Trong báo nói cái nhà ấy ngay trung tâm thành phố. Tớ vào trung tâm thành phố. Chẳng khó (hay đúng hơn là chưa đến lúc khó), vì trung tâm thì, đâu đâu cũng vậy, như một thỏi nam châm, hút người ta vào; tớ vốn hay bị lạc đường nhưng mãi rồi cái lối cũng mòn, bạn dẫn đi nhiều đâm ra hình thành trong tớ một kiểu phản xạ (phản xạ gì thì tớ không dám đào sâu, tớ e ngại bị nhầm lẫn trong một vài phạm trù của chuyên nghành không liên quan đến năng khiếu của tớ). Tớ cũng thú nhận là lúc đấy, sau ba tháng ở Ý, tớ thuộc mỗi đường tới trường (để học, vì nhiệm vụ chính của tớ là phải học), đến siêu thị (để mua đồ ăn, vì tớ phải sống), vào trung tâm (để xem, vì tớ phải tìm hiểu. Với lại, để rút học bổng từ ngân hàng, vì tớ cần tiền). Để phục vụ thú vui, tớ đi lang thang không đích không mục đích, rồi lại tự tìm đường về.

Tớ lại kể tiếp. Tớ thấy một nhóm bạn đang buôn chuyện rất rôm rả liền tiến lại hỏi “Các ấy có biết Via della Cupa ở đâu không?” Họ quay sang nhìn nhau, một nàng tự đề cử làm người chỉ đường. Tớ mới nhận ra họ không phải người Ý, mà Tây Ban Nha. Dù sao tớ vẫn tin tưởng, vì họ là số đông, lại tương đồng với người Ý. Tớ lại leo lên, trèo xuống, tiếp tục trèo xuống và rồi cứ thế lại leo lên. Tớ tả sơ sơ về địa hình thành phố: được trải trên những ngọn đồi, không phải đồi to, mà đồi nhỏ, nhỏ lắm. Có cái không may và cũng có cái may. Không may vì cứ lên lên xuống xuống liên tục, mệt (nhưng lâu rồi thành quen). May thì nhiều hơn, nhiều hơn nhiều, theo cá nhân tớ: tạo nên một nét rất đặc trưng, thành công trong việc biểu diễn bằng thực tế ý tưởng và phong cách kiến trúc, đồng thời cũng phản chiếu một phương diện văn hóa và tiến trình lịch sử. Đứng trên mỗi ngọn đồi ta có thể hướng rộng tầm mắt sang các ngọn đồi bên cạnh: nhấp nhô, uốn lượn, ngõ ngách đan xen bởi những khu nhà cổ, chấm phá bằng những tháp chuông nhọn trên nền xanh cỏ cây…

Tớ đi mãi, không thấy phố tớ tìm đâu cả. Tớ hỏi một chị đi ra từ cửa hàng làm đầu, chị này trông dễ mến lắm. Chị ấy giải thích một hồi, hoá ra tớ đã đi ngược hướng. Chị ấy chỉ tớ đường thuận nhất và bảo tớ đến đài phun nước hãy tiếp tục hỏi đường, vì phải rẽ chỗ này, vòng chỗ kia. Tớ nghe theo, quay lại. Thấy một bà mẹ chậm rãi với hai đứa con hiếu động, tớ tiến lại. Bà ấy chỉ tớ hai cách đi, thế này, thế kia, và chẳng hiểu mặt mũi tớ lúc ấy thế nào mà bà ấy đề nghị repeat toàn bộ bằng tiếng Anh (!!!, phải thú nhận là tớ còn hiểu tiếng Ý hơn, dù nghe nói vẫn chưa đỉnh, nhưng tớ vẫn chăm chú nghe và nói lời cảm ơn về sự tốt bụng của bà ấy, trong khi hai đứa bé đuổi bắt nhau rinh rích như chuột nhắt quanh mẹ).

Tớ chọn một hướng, đi, đi. Tớ lại quyết định hỏi, tiện thể thực hành tiếng luôn. Tớ hỏi một ông đang đứng mua báo, ông ấy bảo phố Cupa dài lắm, số nhà tớ hỏi nằm cuối phố mà tớ lại đang ở gần đầu phố và nên đi đến đâu thì hỏi đến đấy. Tớ đi mãi đến đầu phố, chẳng may rẽ nhầm ngay từ đầu!!! Ồ, may sao, một ông trông rất lịch sự, thấy tớ quay ngang quay dọc, đăm đăm chiêu chiêu mới ra hỏi chuyện và đề nghị dẫn tớ đi. Đến phố Cupa rồi ông ý chào và chúc tớ buổi tối vui vẻ. Mà đúng là trời đã ngả về tối. Tớ lại ngọ nguậy “Quái lạ, sao không thấy biển chỉ đường?”. Tớ lại chặn đường một bà lão trông rất vui tính. Bà ấy cười tung tăng trả lời: “Ơ hay, phố Cupa đây thôi. Biển kia kìa. Thế nhé, chào!”

Thế mà tớ vẫn phải gọi điện lại hỏi những người ở ngôi nhà đấy, sau khi bị mê hoặc bởi đường cong rất quyến rũ của con đường, bên trái là dãy nhà cổ, bên phải là thung lũng rộng, tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp. Tớ leo lên tầng bốn, tiếc rằng đó lại là khu chung cư duy nhất, tức là không phải nhà cổ. Nhưng trong cái tiếc lại có cái may: cửa sổ duy nhất của CÁI TỔ mở ra một cái nhìn toàn cảnh, đúng lúc mặt trời đang lặn. Tớ yêu say đắm cảnh hoàng hôn rất lãng mạn đó ngay từ cái nhìn đầu tiên (mà thực ra nếu hôm đó mưa to gió lớn đi chăng nữa thì tớ vẫn yêu cái cửa sổ; tớ yêu những người, những điều, những vật cho tớ được mở rộng tầm mắt). Và tớ đã chẳng thèm quan tâm là ai đang ở những phòng khác, cái bếp, cái công trình phụ nó thế nào. May mà tớ may. Những tháng ngày của tớ ở đó rất vui và giúp tớ nhiều điều. Tớ sẽ kể dần dần!

Leave a Reply

Your email address will not be published.