Từ “nỗi lo” đến “túi Dior”

Từ “nỗi lo” đến “túi Dior”

Cảm hứng viết những dòng này là “Dior” trong “Mang tiền về cho mẹ” của Đen Vâu. Nó chạm nhẹ vào một số suy nghĩ của tôi.

Mẹ không dám ăn
Không dám mặc
Không dám tiêu cũng chỉ vì lo (lo cho con)
Giờ con đeo túi tò te đi mua cho mẹ cái túi Dior

Trích MANG TIỀN VỀ CHO MẸ – ĐEN VÂU

Bài viết này không phân tích tác phẩm hoặc đánh giá, phê phán ai. Trong lĩnh vực nghệ thuật, tôi không so sánh hay hơn dở hơn, mà chỉ chia thành thích, không thích và không quan tâm. “De gustibus non est disputandum” (“In matters of taste, there can be no disputes” – đại khái là không nên bàn về sở thích của mỗi cá nhân, không có chuyện đúng hay sai ở đây). Những ngày qua tôi có đọc một số quan điểm liên quan bài rap đó. Tôi tôn trọng mọi ý kiến trái chiều, miễn là không xúc phạm và phán xét thiếu căn cứ, thiếu bằng chứng. Bởi chúng ta có thể học được nhiều từ những ý kiến trái chiều hơn là sự định hướng một chiều của nhiều chương tình giáo dục hoặc những người có “quyền” giáo dục. Trong thiên hạ mỗi người có một sắc màu tư duy riêng, mà chỉ có thiên nhiên mới tạo ra cầu vồng hoàn hảo.

Tôi vừa vui tay gõ “túi Dior” lên Google thì được kết quả hàng đầu là những hình quảng cáo, bất ngờ khi thấy có cả giá 105.000 (một trăm lẻ năm ngàn đồng) cho túi gọi là “Dior” công khai trên Shopee, cho tới một triệu, vài triệu, hơn trăm triệu. Nếu đó là túi rởm, chưa nói đến chuyện ăn cắp mẫu mã và được công khai quảng cáo và bán trên sàn TMĐT, thì e rằng tấm lòng đó phản tác dụng. Nếu đó là túi xịn, thì có thể tiếp tục gây tranh cãi: “Ăn cơm muối xách túi Dior”, “Áo lò xo diễu túi Dior” “Thiện nguyện chẳng lo bo bo Dior”,… chẳng hạn – dựa trên những bình luận phổ biến của cộng đồng mạng về cách tiêu tiền của người có tiền. Còn đối với tôi, việc tặng túi Dior là hành động đẹp: mẹ thích và con có khả năng thì con tặng, mẹ vất vả con cũng vất vả và đó là tỏ lòng biết ơn, dù rằng giả sử sau này con tôi có nhiều tiền và muốn tặng quà cho tôi thì tôi sẽ chọn món khác thay vì túi Dior và dù rằng Đen Vâu chọn “Dior” vì nó vần với “lo”, lại có thêm hình ảnh con đeo túi “tò te” vốn không đắt tiền để đối lập với túi Dior đắt tiền – tôn vinh tình cảm con dành cho mẹ. Giờ đây thì kiểu “nịnh đầm” của con tôi cũng đã đủ khiến tôi vui rung rinh rồi: “Ôi cái váy của mẹ đẹp quá, mẹ hứa sau này để lại tất cả quần áo của mẹ cho con nhé, con sẽ mua đền mẹ toàn đồ mới”. Cơ mà tôi chỉ có một mong ước là dù nó sẽ có cuộc sống riêng thì ngày nào cũng gọi điện hoặc nhắn tin cho mẹ.

Tôi chưa được đọc nhiều ý kiến về tâm lý của các bà mẹ từ ngoài nhìn vào. Theo tôi, có thể một số ca từ sẽ khiến nhiều người chạnh lòng: con cảm thấy tự ti vì không được như “người ta”, mẹ cảm thấy thua thiệt và hổ thẹn vì con mình không được như “con người ta”… Không phải ai cũng nhìn nhận bài rap nói về trường hợp của cá nhân Đen Vâu, và thành công như Đen Vâu cũng không quá phổ biến.

Bậc cha mẹ, trước khi đòi hỏi con một điều gì đó, hãy nhìn xem mình đã mang đến cho con điều gì. Cha mẹ hay cãi vã thì đừng đòi hỏi con ưu tú, cha mẹ không giỏi thì đừng đòi hỏi con siêu phàm, cha mẹ đánh mắng con thì đừng đòi hỏi con toả nắng rực rỡ, cha mẹ không đẹp (hoặc đẹp, hoặc rất đẹp) thì đừng thất vọng vì con mình không xinh như “con người ta”, cha mẹ không dành thời gian dìu dắt con lúc nó chưa hiểu nhiều về cuộc đời thì đừng đòi hỏi nó không được thất bại…

Theo logic, con có xuất phát điểm tốt thì tỉ lệ thành công cao hơn so với xuất phát điểm thấp. Nếu con thành công từ xuất phát điểm tốt thì thật tuyệt vời, nếu con thành công từ xuất phát điểm thấp thì trên cả tuyệt vời, nhưng nếu không thành công từ xuất phát điểm tốt thì cũng đừng vội trách con. Hãy nhìn lại chính mình trước đã, cha mẹ đẻ ra con cơ mà, cha mẹ là xuất phát điểm của con cơ mà? Ngoài ra, nếu con thành công trong sự nghiệp thì cũng hãy tự hỏi con có hạnh phúc không, có mang theo vết thương lòng nào không? Hãy quan tâm, lắng nghe để cảm thông và xoay chuyển tình thế để trở nên tốt đẹp hơn.

Ở vị trí người mẹ, tôi phải có trách nhiệm với con nhưng không gán trách nhiệm nặng nề lên con. Khi sinh con ra, tôi không có ý định cần một người đỡ đần, phụng dưỡng lúc tuổi già, mà là để yêu thương, chia sẻ, tạo điều kiện cho con được học hành, khuyến khích con theo đuổi những giấc mơ, truyền cảm hứng cho con sống tử tế, sống tự lập và song song với điều đó là làm việc chăm chỉ để tránh sau này trở thành gánh nặng hoặc lệ thuộc vào con. Không tưởng tượng về tương lai của con, không kì vọng con sẽ thành công rực rỡ, không cuống quýt lo lắng con sẽ gặp khó khăn, quan trọng là giữ sức khoẻ thể chất và tinh thần ở thời điểm hiện tại.

Tôi không viết bài văn nên không sợ bị lạc đề, cứ đi thẳng, rẽ phải, rẽ trái, lòng vòng tuỳ ý. Cuối cùng tôi muốn nói điều gì? Đó là mong bậc cha mẹ tỉnh táo nhìn nhận vấn đề và có cái nhìn đa chiều, bao dung hơn với con cái. Đừng so sánh con cái, dù là với anh em trong nhà hay với người ngoài, và cũng đừng đánh giá qua con số. Bởi nếu lấy con số làm chuẩn đánh giá, thì nhìn xuống chẳng ai bằng mình nhưng nhìn lên có vô số người hơn mình, khiến tính chất đặc biệt của nó trở nên phai nhạt. Trong khi đó, tình cảm chân thành không đong đếm được và bền chặt theo thời gian. Bớt định lượng, tăng định tính thì sẽ hạnh phúc hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published.