Một lần, thằng bạn tôi kêu than bà xã nó cập nhật từng giờ trên Facebook, đến nỗi ăn món nào, mặc đồ gì, làm việc chi, chơi đâu, với ai, vợ chồng cãi cọ ra làm sao… ai ai cũng biết. Tôi nửa đùa nửa thật “Vậy lúc ở cạnh nàng ông đừng chơi game nữa mà nắm tay nàng chặt vào, thế là hết báo cáo thiên hạ ngay”, dè đâu nó lại thêm ảo não “Cũng thử rồi, nhưng sao canh được lúc nàng ở công sở hoặc lúc mình đã ngủ. Thậm chí chuyện tôi nắm tay để nàng hết đường chọc phím cũng bị rêu rao ngang tốc độ chuyện nhà Kadarshian, đã thế còn hùng tráng như vùng lên khởi nghĩa sau bao giây phút bị giam cầm.” Tôi đành chép miệng “Thế thì hết cách rồi ông ạ.”
Cái mở bài này kể ra cũng khá vô duyên, chắc tôi đang bức xúc vì không hiểu ông Zukerberg lọc kiểu gì mà hàng trăm hàng ngàn nội dung yêu thích của tôi bị dìm đi đâu mất, nhiều bài không hứng thú thì xuất hiện lặp đi lặp lại, đã thế lại còn giới hạn số lượng ông sao See first (hệt kiểu khuyến mãi có hạn mua nhanh kẻo hết, chậm một tích tắc thôi kẻ khác nẫng mất). Ai đó sẽ bảo tôi “Thế thì đừng dùng MXH nữa”. Nhưng đâu có dễ vậy, đây là điều không hoàn toàn kiểm soát được, phải đánh đổi một số thứ quan trọng mới cai được MXH. Thôi thì ở đây, tôi chia sẻ những gì tôi thích chia sẻ và những gì tôi không thích chia sẻ trên MXH.
Bắt đầu từ “không” để sau dẫn đến “có” cho còn giữ được hứng. Điều tối kị của tôi là chia sẻ chuyện bi quan (oán hận, ghét bỏ, giận dữ, bực mình…) vì không muốn truyền năng lượng xấu đến mọi người. Cuộc đời, phận người đã lắm buồn đau, chồng chất thêm càng che đi ánh mặt trời. Trong khi đó, thiên hạ lại đầy kẻ kiếm chuyện bi thương của người khác để mua vui đôi ba khoảnh khắc cho bản thân, mà bản chất việc này chẳng hay ho chút nào, thậm chí khiến đau lòng. Nhất là khi khi mình chỉ buông lửng một câu không chủ ngữ, cảm xúc bi quan còn có thể gây hiểu lầm, vì sẽ khiến người ta suy đoán, tò mò và còn là miếng mồi béo ngậy cho hạng ngồi lê đôi mách. Trên đời có người tốt cũng có kẻ xấu, có người quan tâm cũng có kẻ tọc mạch. Người tốt thương hại, kẻ xấu hả hê, người quan tâm lo lắng, kẻ tọc mạch chọc ngoáy. Liệu rằng cách đó có làm cho tâm trạng mình tốt lên?
Mà thực ra, tôi chẳng có tâm trạng xấu nên có muốn gieo rắc bóng tối cũng không làm được. Rủi sao, đôi khi đăng một tác phẩm của mình trong đó phảng phất tí buồn thương, có người lại tưởng tôi đang khổ sở đau đớn nhưng thực ra đó lại là lúc tôi đang hứng khởi vì hoàn thành được một tác phẩm, hay nói đúng hơn là đã thoát ra khỏi bối cảnh đó và điều đọng lại là sự đồng cảm.
Bạn muốn chia sẻ tin tức tiêu cực (vụ án, chuyện bất bình…)? Đã có báo chí lo chuyện đó, ai có nhu cầu thì vào báo chí đọc, ai làm việc của người ấy thì chất lượng (nói chung) sẽ tốt hơn. Bạn không tin vào báo chí và muốn nói lên chính kiến của mình? Thế thì hãy thật giỏi phản biện hoặc có bằng chứng thuyết phục, nếu không thì sẽ phí hoài thời gian hoặc bị gô cổ, vì các cơ quan, tổ chức mạnh hơn bạn rất nhiều. Bạn muốn khởi nghĩa? Chỉ thể hiện bức xúc một cách nhạt nhòa thì làm sao mà cách mạng.
Tôi thường nghe nói đến bạo hành liên quan đến cơ thể và tinh thần nhưng chưa từng nghe nói đến bạo hành giác quan và bạo lực cảm xúc. Ví dụ, đổ rác, gây mùi khó chịu là bạo hành khứu giác, bấm còi xe ầm ĩ, la hét om sòm là bạo hành thính giác, bán đồ ăn ôi thiu là bạo hành vị giác, chen lấn xô đẩy là bạo lực xúc giác, chia sẻ hình ảnh bẩn thỉu, kinh dị là bạo hành thị giác, tiếp thị qua điện thoại là bạo hành sự tập trung, thời gian riêng… Nhìn chung các loại bạo hành vừa kể đều tham gia được vào phạm trù bạo hành cảm xúc. Trong bạo hành cảm xúc còn có dạng mà về lý lẽ, luật lệ, dù nó không gây tội lỗi gì nhưng vẫn làm người khác đau lòng. Rất tiếc là các hình thức bạo hành đó là không tránh khỏi, tôi chỉ có thể phòng chống bằng cách không làm những điều đó, còn trên MXH (hay cụ thể là Facebook, nơi tôi có nhiều kết nối với bạn bè, đồng nghiệp, người thân quen) tôi có thể hide post, snooze, unfollow, unfriend, block (đã làm cả 5 cách khá nhiều lần, tùy vào sở thích, tính cách, sự quan tâm, mối quan hệ).
Về phê bình thiếu văn minh, MXH cũng nỗ lực chặn những bài kiểu này nhưng không thể thắng sự xô bồ như vũ bão hoặc muôn vẻ “sáng tạo” trong ý tứ, câu chữ, hình ảnh của cư dân mạng, mà những điều này lan truyền và được học hỏi nhanh như vũ bão (nhưng rồi cũng sẽ bị lãng quên như chữ trên cát, vì hoặc bị dẫm đạp lên, sóng cuốn trôi hoặc khô dần và tự sụp đổ, tôi mong như vậy).
Có lẽ ai đó sẽ bảo văn học nghệ thuật cũng chứa đầy rẫy bi thương, tiêu cực. Thế nhưng đây là quyền chủ động lựa chọn thưởng thức hoặc không thưởng thức, và một khi tác giả làm cho điều gì đó trở nên tối tăm thì rõ là có ý làm cho điều khác sáng lên, còn trong đời thực thì chưa hẳn.
Khoe thì có nhiều kiểu khoe, gây ra những hiệu ứng tâm lý khác nhau: có thể truyền cảm hứng, làm người ta ngưỡng mộ, nhưng cũng có thể khiến bị ganh ghét, kì thị. Khoe là quyền tự do của mỗi người, nhưng vấn đề là khoe thế nào. Có nhiều kiểu khoe, người khoe khéo kẻ khoe thô.
Cái khoe thường gặp nhất là khoe vật chất, chỉ tiếc rằng đây là sở thích, thói quen và là cách kiếm tiền, vớ danh của nhiều người, vì thiên hạ hay “nhìn mặt mà bắt hình dong”. Chắc bạn cũng không quan tâm đến việc bạn hơn một số người nhưng lại kém cực kì nhiều người khác, như vậy bạn chỉ nằm đâu đó giữa 7 tỉ người, vì cứ hơn được một ai thì phải sướng ngay cái đã. Khổ nỗi đây là phương pháp cực kì hiệu quả đào sâu thêm hố ngăn cách giữa giàu và nghèo, tước đi nhiều hạnh phúc, gây xung đột trong các mối quan hệ, tước đi nhiều niềm vui (do sự khổ nhọc, vất vả, thèm thuồng, kì vọng… mà ra).
Có quá nhiều điều mà theo kiến thức học đường là phi lý nhưng trong xã hội ngày nay lại là chuyện hết đỗi thường tình. Nhiều vấn đề xã hội chỉ dừng lại ở sự bàn tán, chuyện gẫu mà không giải quyết được. Như kiểu những điều không thể logic hơn lại diễn ra một cách không thể phi lý hơn. Đầy những gã bóc lột hàng triệu worker chân đất mắt toét vơ tiền đi “bóc lột” worker chân Louboutin mắt cắt mí… Kiều bào làm vục mặt gửi dăm ba đồng về nước, trong nước có người “vục mặt” để dâng cho dăm ba cái túi đồ hiệu ở bển. Hỏi sao người nghèo càng nghèo người giàu càng giàu, nước nghèo càng nghèo nước giàu càng giàu. Và thế thì cũng sao mà tránh khỏi kì thị. Giờ đây, khi nói đến các con số “200 ngàn”, “18 triệu”, “30 ngàn usd” ai cũng biết đang ám chỉ vụ nào. Cho thấy có những từ ngữ áp dụng cho những ngữ cảnh tréo ngoe, trái ngược còn giá trị bị đảo lộn tùng phèo.
Khi bạn khoe sự hiểu biết, lắm khi đó là sự hiểu biết của người khác còn bạn chỉ đi sưu tầm hoặc xào nấu lại. Còn có một kiểu tôi hay gặp, đó là bê nguyên câu chữ, hình ảnh, video của người khác vào nhà mình rồi trích tên tác giả bé xíu xịu tận cuối bài và đánh lờ luôn link gốc/ link profile của họ. Chục năm trước, tôi rèn luyện kĩ năng ngôn ngữ bằng cách dịch bài nhưng dần từ bỏ, thứ nhất vì không có thời gian, thứ hai khi dịch và đăng công khai tôi đã có phần xâm phạm bản quyền, thứ ba khi có ai đó đăng lại thì họ cũng vừa xâm phạm bản gốc vừa xâm phạm bản dịch, bởi để viết và dịch được, ngoài khả năng ra thì còn phải trải qua quá trình rèn luyện hàng năm trời. Giờ đây, tôi không chạy theo số lượng nữa, cố gắng làm ra thứ gì thực sự là của mình, dù không nhiều, dù không xuất chúng nhưng phải có giá trị cá nhân. Trường hợp mà tôi mượn ảnh hay trích dẫn ai đó là có mục đích minh họa cho bài thêm phong phú, đồng thời tôn vinh và biết ơn người đã cho tôi nguồn tư liệu.
(còn tiếp)