Cơn giận sùng sục của các quí ngài và nỗi hả hê của các quí bà quí cô vì câu nói của Trang Hạ bỗng dưng trở thành niềm cảm hứng của mình mới ghê chứ!
Mình không biết “con lợn” qua con mắt của cô ta như thế nào (hay chính xác hơn là cố tình lờ đi, không đến nỗi to tát kiểu để giữ hòa bình cho thế giới nói chung hay cho hai giới ở Việt Nam nói riêng, vì chẳng dám he hé một tia hi vọng mong manh nào thay đổi “lập trường” của bất cứ ai trong cái thời buổi cứng đầu này, khi có vẻ như bàn phím là vũ khí “tự do” duy nhất, mà để giữ hòa bình trong chính mình, nghĩa là không quá bận tâm đến nó) nên không bình luận trực tiếp “vụ việc”; chỉ xin nhân cơ hội này lảm nhảm một tí nôm na gọi là quan điểm, dù có vẻ như đang đi chệch hướng.
Ai mà ấm ức nghĩa là thể hiện thái độ kì thị với con lợn. Nhìn nhận thẳng thắn, chính cái số phận mà con người đưa đẩy nó đến để phục vụ cho lợi ích của họ lại bị họ phỉ báng. Con chó thì vừa may hơn nhưng cũng lại vừa rủi hơn, tùy thuộc vào chuyện nó của ai, ở đâu. Tuy nhiên hai đứa chúng nó có một điểm vô cùng chung là đều nằm trong 12 con giáp trong văn hoá truyền thống của khoảng 1/5 dân số thế giới.
Xen ngang: sau khi xảy ra vụ Charlie Hebdo, mình đọc ở một số báo rằng Đại học Oxford có ý định cấm nhắc hoặc gây liên tưởng đến lợn và xúc xích trong các ấn bản cho trẻ em với lý do tránh gây xúc phạm đến người Do thái và người theo đạo Hồi. Mình thấy chính đó cũng là một trong những hình thức cực đoan và động chạm đến văn hoá của bộ phận dân số tương đương dân số người theo đạo Hồi trên thế giới; và quả thực, ngay khi Oxford vừa mon men e hèm thì đã bị nhận xét là “nonsensical political correctness” và người đại diện của giới đạo Hồi cũng cho rằng điều đó không cần thiết.
Không biết có ai tìm hiểu truyền thuyết 12 con giáp không, mình thì không (hì hì) nhưng có thái độ rất tôn trọng và thấy thú vị. Mỗi con vật trong đó có một bản sắc riêng, và chớ có nói rằng lợn là con vật ăn hại duy nhất, khiến những bạn tuổi lợn có khi lại phật lòng. Chuột, phần lớn ăn tàng phá hoại, nhưng trên thực tế vẫn có chuột bạch phục vụ khoa học hay trong phim ảnh nức tiếng thông minh lanh lợi (điển hình là bạn Jerry lừng lẫy mang đến niềm vui cho cả thế giới), …; hổ thì tùy ngữ cảnh mà gán nó với thiện hay ác (đại loại thời thế tạo anh hùng hoặc na ná thắng làm vua, thua làm giặc…), trong khi bản chất nó luôn là vậy: đói thì săn mồi, no thì nằm chơi, không lắt léo như con người; rồng có vẻ hoàn mỹ nhưng chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng… Tóm lại thái độ đối với mỗi sự vật, sự việc và cách thể hiện những thứ bên trong ra bên ngoài là rất quan trọng.
Vậy đấy, nhìn chung mình khá là ba phải; nhưng lâm li bi đát thay, lắm khi cái nỗi ba phải này cũng phải thổn thức: ba con vật mà mình ghét thậm ghét tệ, chỉ thoáng thấy là đã muốn choảng nhiệt liệt, lại được đưa vào những ngữ cảnh lộng lẫy và hùng tráng: “Cái nốt ruồi triệu đô của Cindy Crawford”, “Bộ bàn ghế sang trọng màu cánh gián”, hay “Chuyện muỗi, anh chỉ cần phẩy tay một cái là xong!”
Lảm nhảm mãi cũng xin phép bày tỏ một suy nghĩ hết sức nghiêm túc: mình không hề thích vụ này, khi thấy người ta cứ xỉ vả nhau chan chát. Liên tưởng đến một chuyện phiếm: trong khi ngồi buồn trên đồng cỏ thì một trong hai anh chàng cowboy lên tiếng: “Anh mà ăn được cục ị bò thì tôi mất anh 5$!”, anh kia chẳng nghĩ ngợi gì cho mệt bốc lên ăn luôn, nhưng ăn vào thấy cảm giác và dư vị kinh hoàng quá mới thách ngược lại cũng với 5$. Anh chàng đưa ra ý tưởng lúc đầu thấy kiếm 5$ dễ dàng quá, “thằng chả kiếm được thì tại sao mình lại không”, hí hửng nhận lời ngay. Rốt cuộc cả hai bị ăn cục ị mà chẳng kiếm được xu nào!