Khi nói ra những điều này, tôi không kì vọng hoặc cần Lotus hay một ai để ý tới, bởi lẽ thường vẫn vậy: tôi không chơi trò đổi like tưng bừng nên sự chú ý hay phản ứng của người đọc post sẽ gần với sự thật hơn (cho dù trên lý thuyết, càng nhiều sample thuộc càng nhiều đối tượng độ tuổi, giới tính, địa lý, sở thích… thì kết quả càng chính xác).
Tại sao tôi lại để ý đến Lotus (trước khi ngã ngửa biết rằng hiện nay có tới 436 mạng xã hội “made in Vietnam” – theo VNExpress)? Đơn giản lắm, vì logo Lotus khá bắt mắt, thể hiện mọi người nắm tay nhau vòng tròn lại có code màu yêu thích của tôi. Nói thêm về chuyện logo, đối với các thương hiệu, “tình yêu” của tôi thường bắt đầu từ thị giác, bởi các sản phẩm dịch vụ đại chúng ngày nay không ngừng chạy đua nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng để đưa ra chiến lược cạnh tranh với đối thủ về giá cả, sự tiện dụng, tác động đến các giác quan,… (tạm thời không kể đến chất lượng), ông lớn thì còn giữ được linh hồn thương hiệu chứ ông nhỏ thì thay đổi linh hồn xoành xoạch để chạy theo lợi nhuận. Ví dụ như app đặt xe, tôi chỉ cài mỗi Grab chứ Be, FastGo, hay GoViet tôi nhìn không thấy cảm tình (nên cũng chẳng biết chất lượng của họ thế nào nữa).
- Grab: logo dễ coi, màu xanh tạo cảm giác an toàn, các chữ lại chạy kiểu đường đua.
- FastGo: màu lam đậm của những tập hồ sơ dày cộp và vách ngăn văn phòng, đã thế lại 3 ông chen nhau tạo cảm giác tù túng.
- GoViet: hình bánh xe rối, bên trái thì có mấy vạch ra vẻ chạy nhanh nhưng ông sao ở giữa lại đứng im.
- Be: không thấy sự liên quan đến việc đặt xe hay chạy xe, hình cục mịch, cặp màu vàng-lam quá tương phản.
Quay lại Lotus, tôi có vào xem trang chủ lotus.vn, thấy clean&clear lại khá vui mắt, cùng với những lời hứa cực kì đường mật. Thế mà vào app 2 lần thì chẳng thấy gì ngoài trending, hài nhảm, gái gú,… mà trending thì toàn tin pháp luật, tai nạn; tôi xóa app không chút đắn đo, dù chẳng hiểu lúc này đây điều đó đã thay đổi chưa. Và trong một phút giây, tôi đã nghi ngờ Google “Này, tôi có xem tin rác đâu mà trên đó lại xuất hiện bạt ngàn thế?” nhưng rồi lại tự nhủ “Lotus làm gì đã cao siêu đến nỗi bò theo được trình duyệt hoặc công cụ tìm kiếm vào từng ngõ ngách, nên định vị sai này chẳng hề liên quan đến các ông ấy”.
Không hiểu sâu sắc về Lotus nhưng qua đôi điều nhìn thấy thì nhận xét thế này:
- Không có nút cảm giác buồn bã hay tức giận như Facebook chưa hẳn đã là điều hay, bởi những phản ứng trái chiều thường gây kích thích, tò mò hơn đối với độc giả.
- Thu thập token: tạo ra những giá trị ảo, chạy theo thị hiếu chứ không thực sự tạo giá trị riêng.
- Tổng hợp những tin nóng hay bài nhiều người đọc thì đã có nhiều app khác còn làm tốt hơn.
- Nếu chỉ cung cấp cấu trúc và một số tính năng hạn chế hơn so với người đi trước mà đối tượng vẫn không thay đổi thì vẫn không ra được nội dung sáng tạo hay hình ảnh bắt mắt.
- Đa số dùng Facebook nhiều năm rồi, nhất là người thân và những người nổi tiếng, không dễ gì để kéo được đối tượng riêng lẻ sang. Trước kia Yahoo sai lầm nên mới để Facebook chiếm lĩnh.
- Vì là trang nội địa nên một bộ phận không nhỏ e dè lo ngại bị kiểm duyệt.
- Chưa kể việc VCCorp là đối thủ của các trang mạng lớn khác của Việt Nam vốn chẳng cần phải nói xấu trực diện mà chỉ đôi ba bài “tinh tế” thôi là có thể làm quần chúng lung lay.
Tôi mà xây dựng một mạng xã hội thì sẽ có một số đặc điểm cơ bản sau (không tránh khỏi học hỏi các app lớn):
- Dàn trang kiểu Pinterest (3 hay 4 cột trên desktop và 1 hay 2 cột trên smartphone); tất nhiên Facebook không thích điều này vì xếp thành 1 cột thì phần quảng cáo mới nằm trọn trong mắt người dùng.
- Bộ lọc, đặc biệt có random (như web của tôi có latest/ like/ comment/ random) nhằm tạo sự bình đẳng cả cho những post trước, chứ Facebook chủ yếu xếp latest và có thể một bài lại xuất hiện quá nhiều lần, kích thích người dùng hide post/ snooze/ unfollow hay thậm chí là unfriend. Bộ lọc này còn chia được theo ngôn ngữ, lĩnh vực… (như kiểu hashtag trên Facebook nhưng thể hiện rõ hơn).
- Tích hợp với một số tiện ích phục vụ lợi ích, thói quen, nhu cầu người Việt (tưởng tượng rằng điều này rất phức tạp, cần nền tảng, kỹ thuật, năng động, linh động và nhiều thời gian).
- Thỏa thuận/ kinh doanh với các thương hiệu đưa emoji của họ vào messenger/ comment… (ví dụ một anh chàng giơ cốc sứ Highland “Coffee nhé” hay một cô gái bật lon Coca-Cola “Tỉnh lại đi”)
- Đăng ảnh theo dạng carousel thay vì gallery (rối mắt).
Tự dưng viết đến đây thì hết hứng nghĩ thêm. Kết cụt!