Marcovaldo

Marcovaldo

Cơn gió từ rất xa len lỏi vào thành phố, mang theo những món quà bất thường mà chỉ một vài tâm hồn nhạy cảm mới nhận ra, như kiểu không dưng bỗng nhảy một cú hắt xì chỉ vì một hạt phấn hoa tận miền nảo miền nao lạc tới.

Một ngày, trên luống hoa ven con đường chạy quanh thành phố, chẳng biết từ đâu một cơn gió ùa vào và những hạt nấm được gieo vô tình. Không người nào nhận ra điều này trừ người công nhân Marcovaldo ngay đó, nơi mỗi buổi sáng anh đứng chờ tàu điện.

Marcovaldo có con mắt không phù hợp lắm với cuộc sống đô thành: biển báo, đèn giao thông, cửa kính, biển hiệu sáng rực, áp phích… vốn thu hút được sự chú ý của công chúng theo cách nghĩ của tầng lớp học giả, thì lại chưa bao giờ ghim được cái nhìn như đang chạy trên cát sa mạc của anh.

Thế mà đố cái lá đang úa trên cành hay chiếc lông chim đậu trên viên ngói nào có thể thoát được cái nhìn này: làm gì có chuyện một con ruồi trâu bám trên lưng ngựa, một cái lỗ mọt trên bàn, một cái vỏ hồ đào bị dẫm nát trên đường mà Marcovaldo không nhận ra; và chẳng cần lập luận anh cũng khám phá được những dấu hiệu giao mùa, những ước ao trong lòng và những nỗi khổ cực trong sự tồn tại của mình.

Thế rồi, vào một buổi sáng, khi đang chờ xe điện để tới nhà máy Sbav, nơi phải lao động vất vả hàng ngày, anh nhận thấy có điều gì đó bất thường tại trạm dừng, trong luống đất màu mỡ đã được vun đắp dọc theo hàng cây bên đại lộ: một lúc nào đó, dưới những gốc cây, dường như cả chỗ này và chỗ kia đều đang phồng lên những mậm non, chúng hé mở và nảy nở thành ụ tròn dưới đất.

Anh cúi xuống để nhìn rõ hơn: nấm, đúng là nấm, nấm đang rộn rạo ngay trong lòng thành phố! Với Marcovaldo thì dường như cái thế giới xám xịt và khổ sở quanh mình bỗng dưng trở nên hào phóng với món của dồi dào đang cất giấu, và người ta còn có thể chờ đợi một điều gì đó từ cuộc đời ngoài đồng lương công nhật theo hợp đồng, trợ cấp gia đình và ổ bánh mỳ.

Trong giờ làm việc anh sao nhãng hơn bình thường; anh mải nghĩ đến chuyện khi mình đang dỡ nào bao tải nào hòm xiểng xuống thì trong bóng tối dưới lòng đất những cây nấm chỉ mình anh biết cứ chầm chậm chầm chậm lặng lẽ nuôi lớn cái cơ thể xôm xốp bằng chất dinh dưỡng trong đất, đội những cục đất để nhô lên. “Chỉ cần một đêm mưa thôi, – anh lẩm bẩm, – thế là có thể hái được rồi”. Và anh rất nóng lòng muốn hé lộ khám phá của mình với chị vợ và sáu đứa con:

– Bố nói cho mà biết này! – anh thao thao suốt bữa ăn đạm bạc – Một tuần nữa chúng ta sẽ được ăn nấm! Nấm rán cực ngon, xin đảm bảo!

Với những đứa nhỏ nhất còn chưa biết nấm là gì, anh hào hứng giải thích vẻ đẹp của nhiều loại nấm, vị thơm dịu của nấm, và người ta phải nấu chúng như thế nào; rồi anh cũng tông điệu đó với chị vợ Domitilla, tới lúc đó vẫn còn nghi hoặc và thực ra chẳng buồn để tâm.

– Thế nấm đó ở đâu hả bố? – bọn trẻ hỏi – Cho chúng con biết chúng mọc ở đâu đi!

Câu hỏi đó làm sự say sưa của Marcovaldo hơi chựng lại và anh lập luận với một nỗi băn khoăn: “Mình mà giải thích cho chúng biết nấm mọc chỗ nào thì chúng sẽ đến đó cùng với nhóm trẻ bụi đời hay lang thang nhất, chúng sẽ loan truyền khắp quận và rồi nấm sẽ nhảy hết vào giỏ người khác!”. Và thế là, cái khám phá ngay lập tức đơm đầy trái tim tình yêu vạn vật ấy giờ bỗng trở thành của sở hữu bất ổn, làm anh lo nơm nớp với nỗi ganh tỵ và lòng hoài nghi.

– Nơi mọc nấm bố biết và chỉ bố được biết, – anh nói với bọn trẻ, – sẽ rất phiền toái nếu các con hé chuyện này ra cho người ngoài.

Sáng hôm sau, khi lại gần trạm xe điện, Marcovaldo lòng đầy hồi hộp. Anh cúi xuống luống hoa, thở phào vì thấy nấm chỉ mới mọc một tẹo, một tẹo, và vẫn gần như còn náu dưới lòng đất.

Anh cứ lom khom như vậy cho tới khi nhận ra có ai đó đứng sau lưng. Anh đứng phắt lên và cố gắng ra vẻ lơ đễnh. Đó là một cậu lao công đang đứng dựa vào cái chổi của mình và nhìn anh.

Cậu lao công này là một thanh niên trẻ đeo kính cao lêu nghêu mang tên Amadigi. Cậu ta gây ác cảm với Marcovaldo đã từ lâu, có lẽ vì lý do cái cặp kính đó cứ dò xét trên đường nhựa để cứ thấy dấu vết nào của thiên nhiên là xoá cho bằng sạch với những nhát chổi.

Thứ 7, Marcovaldo tận hưởng nửa ngày rỗi rãi bằng cách lãng đãng dạo bước gần luống hoa, khi ánh mắt cố ra vẻ không lướt qua cậu lao công và những cây nấm, thì trong đầu là những phép tính xem phải mất bao nhiêu thời gian thì nấm sẽ lớn lên được.

Đêm đó trời mưa: như những nông dân sau nhiều tháng hạn hán chợt bừng tỉnh và nhảy múa mừng vui trong tiếng lộp độp của những giọt mưa đầu tiên, Marcovaldo là kẻ duy nhất trong thành phố nhổm phắt dậy ngay trên chiếc giường của mình, gọi những người trong gia đình: “Mưa rồi, mưa rồi”, hít sâu mùi bụi ướt và mùi ẩm mốc còn tươi từ ngoài vào.

Khi bình minh ngày chủ nhật vừa lên, anh đã cùng bọn trẻ và một cái giỏ đi mượn chạy ngay đến luống hoa. Nấm ở đó, ngay dưới chân, với những chiếc mũ nhô cao lên khỏi mặt đất đang còn nhão nước. – Hoan hô! – họ ngồi xuống và bắt đầu thu lượm.

– Bố ơi! Xem cái ông kia hái bao nhiêu nấm rồi kìa! – Michelino nói, và bố cậu bé ngẩng đầu lên, thấy Amadigi cũng có một giỏ nấm đầy trên cánh tay ngay bên cạnh mình.

– A, cả bố con anh cũng hái nấm à? Tôi mới lấy được một ít nhưng không biết có đáng tin tưởng không… Ngoài kia còn có những cây nấm to hơn thế này nữa… Được rồi, giờ tôi sẽ báo cho người nhà gần đây để bàn xem có nên hái không hay cứ để như vậy… – rồi cậu hấp tấp sải những bước dài.

Marcovaldo há hốc miệng: nấm to hơn thế này nữa cơ à, thế mà mình không nhận ra, đúng là một cuộc thu hoạch chưa bao giờ mong đợi mà lại bị hắn ta cuỗm đi mất ngay trước mũi mình. Anh cứ gần như hoá đá một lúc vì giận dữ, vì điên tiết, rồi – điều đôi khi xảy ra đã xảy ra – sự sụp đổ những niềm ham mê vị kỷ bỗng chuyển mình thành một cử chỉ hào phóng. Vào giờ đó tất cả mọi người đều đi đón xe điện, với một chiếc ô treo ở cánh tay, vì trời còn ẩm ướt và chưa biết đã tạnh hẳn hay chưa. – Này các anh chị ơi! Các anh chị có muốn làm một bữa nấm rán tối nay không? – Marcovaldo gọi to những người đang đứng ở trạm xe điện. – Nấm đã mọc ở ngay ven đường đây này! Lại đây! Có nấm cho tất cả mọi người! – Thế là anh theo bước chân Amadigi, sau lưng là một dãy người xếp hàng.

Có đủ nấm cho mọi người, và do thiếu giỏ họ cho nấm vào trong những chiếc ô mở to. Ai đó nói: – Có khi tất cả chúng ta làm một bữa trưa cùng nhau lại hay đấy! – Nhưng thực tế mỗi người đều hái phần nấm cho mình rồi ai về nhà nấy.

Nhưng họ gặp lại nhau sớm, ngay buổi tối hôm đó thôi, trong cùng một phòng bệnh viện, sau khi đã rửa ruột và tất cả được cứu sống khỏi độc chất: may mắn làm sao không đến nỗi nghiêm trọng lắm, bởi lượng nấm mỗi người ăn vào cũng khá là ít.

Vô tình Marcovaldo và Amadigi nằm gần giường nhau. Chẳng tránh được, họ nhìn nhau với ánh mắt đầy tức tối.

Italo Calvino

Luna dịch

Leave a Reply

Your email address will not be published.