Monologue VII

Monologue VII

Q: Xin chào, năm 2023 của bạn thế nào?
A: Tuyệt vời như bản giao hưởng, với những cung bậc cảm xúc đa dạng.

Q: Nghĩa là ngoài những “đỉnh cao” thì cũng có nhiều “vực sâu”?
A: Chính những vực sâu đã đánh thức bản năng của tôi vươn tới đỉnh cao.

Q: “Đỉnh cao” của bạn là gì? Nổi tiếng và được đông đảo ca ngợi?
A: Không, tôi không phải người nổi tiếng, không muốn nổi tiếng, cũng như không cố tỏa hào quang hay gắng duy trì nó. Tôi “cao vút, sâu thẳm” trong thế giới của riêng mình.

Q: Tôi thấy bạn có nhiều website cá nhân, nếu không để tìm kiếm sự nổi tiếng thì bạn tạo ra và phát triển chúng làm gì cho mất công?
A: Trước đây tôi cũng đã giải thích, việc đó giống như nuôi thú cưng vậy. Ví dụ bạn nuôi một con mèo, bạn chăm sóc cung phụng nó vì bạn thích thế. Có mèo rồi, có thể bạn không muốn chia sẻ, có thể bạn muốn nó thành “influencer”, hoặc cũng có thể bạn muốn đăng ảnh nó một cách đơn thuần, như trường hợp của tôi.

Q: Bạn có thể giải thích rõ hơn không?
A: Tôi không chạy theo thành tích mà mong muốn đạt nhiều thành quả.

Q: Bản giao hưởng đó du dương như Bach, rộn ràng như Mozart, mạnh mẽ như Beethoven, kịch tính như Vivaldi, sâu lắng như Chopin hay gì đó khác?
A: Chẳng xa xôi, hoành tráng thế đâu. Bản giao hưởng của riêng tôi.

Q: Bạn hay “riêng mình”, “riêng tôi” nhỉ?
A: Tôi hướng đến sự chủ động, độc lập, càng ít phụ thuộc càng tốt. Mỗi khi rơi, tôi tự vươn lên, có khi trầy trật nhưng đôi lúc cũng nhẹ nhàng.

Q: Bạn có làm việc theo nhóm không?
A: Có chứ, ngoài những nhiệm vụ độc lập thì trong các công việc mà tôi đã và đang trải qua, thành công đến từ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đồng nghiệp.

Q: Làm thế nào để đạt hiệu quả cao trong công việc?
A: Tôi đã nghe câu hỏi này gần đây, và trả lời điều tối quan trọng là sự tôn trọng và lắng nghe. Giờ tôi muốn bổ sung thêm một số “tiêu chuẩn” khác, đó là trách nhiệm, tương hỗ, cảm thông, trân quý.

Q: Bạn có thể nói thêm đôi chút về các tiêu chuẩn đó không?
A: Những tiêu chuẩn này không chỉ cần trong công việc, mà trong mọi mối quan hệ; có thể tôi sẽ viết riêng một bài. Giờ chỉ nói sơ sơ, người ta có câu “anh em trong nghề”, là những người cùng làm việc trong cùng một lĩnh vực, hiểu niềm ham mê cũng như nỗi vất vả của nhau nên thông cảm cho nhau; tuy nhiên, những người ngoài lĩnh vực nhưng có liên quan cũng nên biết rằng, không có gì đến dễ dàng cả. Chẳng hạn, để có được một bản thiết kế, bạn cần một quá trình học hỏi trau dồi kĩ năng, vận dụng trí tưởng tượng, đưa ra hình ảnh, màu sắc, nội dung, thông điệp, bố cục phù hợp với bản sắc thương hiệu, bối cảnh đặt vào và đối tượng hướng tới. Tôi lấy một ví dụ, theo truyền thông, bộ nhận diện thương hiệu mới của Vinamilk là kết quả sau 12 tháng dài thiết kế, với 55 chuyên gia đến từ hơn 10 quốc gia, bao gồm nhiều người Việt (có profile khủng); tôi nghĩ chiến lược đó được quảng bá hơi thái quá, nhưng nếu bản sắc, nhận diện, thông điệp không quan trọng thì chẳng có cớ gì để rùm beng cả. Hay để xây dựng một website, bạn cũng phải đọc rất nhiều tài liệu bằng tiếng Anh, nhiều lần mắc lỗi (đau thương) để rút ra bài học, tham khảo đánh giá các case study mới có thể tạo nên cấu trúc khoa học, nội dung phù hợp… Không phải ai cũng hiểu điều hiển nhiên này, dù nó tương tự kiểu, trải qua mười mấy năm học hành để làm bài thi trên vài tờ giấy, kết quả trên vài tờ giấy đó lại có thể khiến cuộc đời mỗi người rẽ theo những hướng khác nhau. Còn về sự tương hỗ, cần có sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau, không ban ơn, không xin xỏ, mục đích của công việc là win-win. Điều này cũng giống khi đi mua hàng, tôi có được hàng hoá của bạn thì bạn cũng thu được lợi nhuận từ tôi.

Q: Bạn bảo chỉ nói sơ sơ mà hoá ra lê thê quá, tôi có thể hỏi đơn giản và bạn trả lời đơn giản không?
A: Lê thê à? Thế thì sau này đỡ phải viết bài riêng. Xin mời, bạn hỏi ngẫu nhiên cũng được, tôi thích những điều bất chợt.

Q: Bạn có thay đổi gì so với những năm trước?
A: Có lẽ ngày càng quyết đoán, quyết liệt và bớt thỏa hiệp.

Q: Thế đó không phải là một điều thiệt thòi cho chính bản thân bạn sao?
A: Tôi biết. Nhưng một khi tôi đã bất cần thì không để ý nữa, mà dành tâm trí cho nhiều thứ khác.

Q: Bạn “nguy hiểm” nhất khi nào?
A: Đó, chính là khi tôi nói “Chissenefrega” – “Ai thèm”.

Q: Nguy hiểm cho ai? Bạn nghĩ mình là ngôi sao?
A: Là nguy hiểm cho tôi ấy chứ, vì tự tôi tước đi một số quyền lợi của chính mình.

Q: Có vẻ như một tổn thương ghê gớm đã đẩy bạn đến “bước đường” này?
A: Ha ha, đừng nghiêm trọng hóa vấn đề như thế, tôi chỉ yêu bản thân thêm một chút, vì nó xứng đáng.

Q: Nghe mâu thuẫn nhỉ, yêu bản thân thêm mà lại đẩy nó tới chỗ nguy hiểm, thiệt thòi.
A: Vì đổi lại, nó có được sự tự do.

Q: Nó giúp bạn điều gì?
A: Sáng tạo. Một niềm hạnh phúc lớn lao của tôi là sáng tạo.

Q: Sự tự do của bạn có ảnh hưởng đến công việc không?
A: Tôi muốn tự hào về công việc mình làm nên luôn cố gắng đạt mức tốt nhất có thể trong khoảng thời gian cho phép. Điều đó thúc đẩy tôi tìm tòi, khiến vô tình và chủ động học được nhiều điều mới.

Q: Bạn có yêu các công việc mình đã trải qua không?
A: Với tôi đó là điều hiển nhiên. Tôi không đơn thuần làm việc để kiếm sống mà công việc là một phần cuộc sống, là niềm vui của tôi. Nên khi còn yêu thì tôi còn cống hiến.

Q: Vậy tại sao bạn hay thay đổi công việc như vậy?
A: Lý do thường xuyên nhất là khi trách nhiệm dâng cao chiếm hết không gian của sự sáng tạo thì tôi chủ động xin nghỉ.

Q: Bạn có thấy đó mới chính là sự vô trách nhiệm không?
A: Không, nhiều người khác làm các công việc trách nhiệm cao đó tốt hơn tôi.

Q: Chưa thuyết phục.
A: Để tôi chỉ ra một ví dụ. Tôi có khả năng làm nhiều việc, nhưng không thể làm chúng cùng một lúc. Khi đang làm một việc mà rẽ sang việc khác, bạn phải tắt suy nghĩ nọ và khởi động suy nghĩ kia, rồi quay lại, và cứ thế. Chuyên môn hoá đạt hiệu quả cao hơn.

Q: Nếu sắp xếp khéo léo hơn thì bạn sẽ làm được đầy việc mà!
A: Thứ nhất, có những công việc không thuộc trách nhiệm của tôi. Thứ hai, tôi vẫn có thể làm nhiều việc nhưng chúng phải thuộc cùng một hệ sinh thái, bởi chúng kết nối, bổ trợ, truyền cảm hứng cho nhau và tạo nên thói quen chuyên nghiệp.

Q: Đủ rồi, tôi hiểu. Nhưng có cần phải quan trọng hoá đến thế không?
A: Quan trọng chứ, chỉ không nghiêm trọng thôi. Tôi luôn trân trọng và biết ơn công việc cũ và đồng nghiệp cũ, khi gặp lại chúng tôi luôn vui vẻ. Và, xin ghi chú, tôi là người khá thích tranh luận về công việc, ý tưởng nên sẵn sàng nói lên và phân tích suy nghĩ của mình, như bạn đang thấy, nhưng không hẳn là đúc kết từ những kinh nghiệm của tôi, mà còn theo một cách tổng quan hoặc rẽ ngõ nọ ngách kia.

Q: Để bạn đỡ lạc khỏi câu chuyện chúng ta đang nói, tạm thời tôi chuyển sang chủ đề khác. Uhm… theo bạn, một trong những điều cần tránh?
A: Sự đố kị, bởi chính bạn là người đầu tiên bị tổn hại. Nó gặm nhấm, ăn mòn tinh thần và cảm xúc của bạn.

Q: Cứ như bạn đã trải nghiệm điều này ấy nhỉ?
A: May mắn là không, tôi có một số giá trị riêng đáng tự hào. Có điều không phải ai cũng nhìn ra được giá trị riêng của mình để trau dồi và công nhận giá trị riêng của người khác để khích lệ.

Q: Làm thế nào để không đố kị?
A: Tùy mỗi người. Nhưng tôi cho rằng cách hữu dụng nhất là bớt đi những mối quan hệ nhạt nhòa và đọc nhiều sách. Như vậy giúp mình hiểu thêm về một vấn đề, một hệ quả… và sự việc diễn ra theo cách như vậy là có lý do nào đó.

Q: Bạn có bao giờ bị ai đố kị chưa?
A: Tôi nghĩ là không. Không phải bởi tôi cho rằng bản thân quá nhỏ bé, mà tôi và những người khác không giống nhau, trong khi để so sánh công bằng thì cần quy về một đơn vị chung. Ví dụ ngày hôm qua đến sớm hơn ngày mai, túi Hermes đắt hơn túi Charles & Keith, nhưng không nên nói Rihanna hát hay hơn Taylor Swift hoặc ngược lại vì đó thuộc về cảm nhận và sở thích cá nhân, không có đơn vị cụ thể.

Q: Một điểm mạnh của bạn?
A: Có lẽ tôi được sinh vào cung Thiên Bình nên lấy cân bằng rất nhanh.

Q: Thế còn điểm yếu?
A: Đôi khi không nên “vạch áo cho người xem lưng”, nhưng để câu trả lời phía trên có ý nghĩa hơn, thì tôi buộc phải thừa nhận rằng tôi làm việc tốt nhất khi có động lực cảm xúc, tiền chỉ là thứ yếu. Nhiều người chỉ chú trọng vào đơn vị tiền tệ, tôi thì quan tâm đến nhiều đơn vị, yếu tố khác nữa.

Q: Một điều bạn không thích?
A: Sự gián tiếp.

Q: Nghĩa là gì?
A: Ai muốn nói gì với tôi thì hãy nói thẳng, muốn điều gì từ tôi thì hãy đặt vấn đề trực tiếp.

Q: Bạn có thất vọng về điều gì không?
A: Đã thành thói quen, tôi đặt một số mục tiêu cho bản thân nhưng không kì vọng vào người khác, nên không thất vọng. Thường là điều tích cực mới khiến tôi ngạc nhiên.

Q: Một điều bạn không ưa?
A: Sự thô lỗ. Đó là điều khó nhưng khá nhiều người làm được.

Q: Bạn đã bao giờ làm được điều khó đó?
A: Năm vừa rồi có lúc tôi phải gắt gỏng với cả người thân và đồng nghiệp.

Q: Ngầu quá!
A: Thực ra tôi làm điều đó không chỉ cho bản thân, mà là muốn mọi người tỉnh táo hơn và sự việc theo chiều hướng tốt hơn.

Q: Bạn còn nhớ đã gắt gỏng điều gì chứ?
A: Tất nhiên, trí nhớ của tôi không tốt lắm nhưng vì hiếm khi gắt gỏng nên nhớ rõ.

Q: Bạn có thể kể ra không?
A: Đấy là chuyện riêng, mỗi người đều biết vì lý do gì rồi nên không phải nhắc lại nữa.

Q: Lúc đó bạn ở cấp độ thô lỗ nào?
A: Có lẽ là thấp nhất, bởi tôi chỉ tăng âm lượng thôi, còn ngôn từ và thái độ vẫn giữ nguyên sự tôn trọng.

Q: Bạn quên chưa kể bạn bè à?
A: À, với bạn bè thì gắt gỏng trêu chọc nhau giữa chúng tôi đã thành thói quen, đến nỗi không coi đó là gắt gỏng nữa; sẽ rất đáng sợ nếu một lúc nào đó chúng tôi không thèm mắng nhau.

Q: Bạn có nghĩ mình sẽ tiếp tục gắt gỏng trong năm tới?
A: Hi vọng là không, tôi chẳng vui vẻ gì khi thể hiện sự bực dọc đâu. Tôi muốn điều các chính trị gia hay nói với nhau xảy ra lắm chứ: hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.

Q: Bạn có đi chơi đâu trong những dịp nghỉ lễ?
A: Không, ở nơi đông người đối với tôi chỉ có giá trị như một trải nghiệm chứ không phải sự thu hút. Tôi đã ở một số nơi được số đông yêu thích và nhu cầu tìm kiếm một cái gì đó tương tự hay mong muốn giải trí bên ngoài không phải là ưu tiên số một của tôi.

Q: Ví dụ?
A: Giữa nước Ý cuồng nhiệt ăn mừng cúp vô địch thế giới, hòa mình vào những lễ hội truyền thống của một số nước, nằm dài trên cỏ ngắm pháo hoa giao thừa ở Sydney,…

Q: Bạn có đang cao ngạo quá không?
A: Không không, tôi biết mình đã may mắn được trao cho một vài cơ hội tốt, nhưng xã hội có vô số người trải nghiệm gấp nhiều lần tôi. Tôi trân trọng những điều trải qua và kiêu hãnh nhưng không kiêu ngạo.

Q: Sự khác nhau giữa “kiêu hãnh” và “kiêu ngạo” là gì?
A: Tôi chưa tìm hiểu định nghĩa của chúng trong từ điển, nhưng theo cách hiểu của tôi “kiêu hãnh” nghĩa là tự tin với giá trị nội tại, trong khi “kiêu ngạo” là tự cao tự đại về quyền lực hoặc vật chất mà mình có. Nếu không kiêu hãnh, cũng như không tự phê bình bản thân, thì có lẽ tôi chẳng làm nên điều gì.

Q: Quay trở lại điều hồi nãy chúng ta nói tới. Điều bạn yêu thích qua những trải nghiệm như vậy?
A: Được nhìn những sự việc từ góc độ và con mắt khác nhau. Đó còn là “vốn liếng” để phát huy trí tưởng tượng khi tư duy hoặc đọc sách.

Q: Tôi nhớ có lần bạn đã nói thích đọc sách hơn xem phim, vì sao vậy?
A: Một trong những lý do đó là tôi được tham gia vào việc dàn dựng, diễn xuất… trong khi các bộ phim đã bày sẵn mọi thứ. Nôm na là tôi thích kiểu thưởng thức một phần để góp tâm trí của mình xây dựng phần còn lại, tương tự đọc sách còn có nghe nhạc, xem tranh… nói chung là các hình thức nghệ thuật, trừ nghệ thuật thứ 7.

Q: Nếu bạn định đi tới một nơi, thì nó sẽ có tính chất gì?
A: Thiên nhiên, càng ít bàn tay con người chạm vào càng tốt. Tôi nhu mì trước bầu trời (vì nó vô biên), nhu mì trước biển (vì tôi không biết bơi), còn thấy núi tôi sẽ muốn leo, càng cao càng tốt.

Q: Câu trước của bạn mâu thuẫn với câu sau: bạn thích thưởng thức nghệ thuật nhưng lại muốn hoà vào thiên nhiên càng ít tác động của con người càng tốt.
A: Là tôi trả lời ý muốn của mình tại thời điểm này; có thể ngày mai tôi lại chọn thưởng thức nghệ thuật. Tôi luôn yêu cả hai, thiên nhiên hoang dã và nghệ thuật kinh điển.

Q: Bạn có vẻ hướng nội nhỉ?
A: Tôi trân trọng mọi khoảnh khắc bình dị, ở đó tôi được là chính mình nhất.

Q: Thế này thì bạn chẳng đóng góp gì cho sự phát triển của xã hội.
A: Ồ không, bạn chớ lo, tôi cũng đang đóng góp vào bảo vệ môi trường đấy chứ! Giảm tiêu thụ vật chất, tăng mở mang tinh thần.

Q: Trước đây bạn tham gia tổ chức nhiều sự kiện “ồn ã” cho hàng nghìn người.
A: Thường thì khi còn trẻ, chúng ta hay nghĩ đến đích đến, sau một thời gian sẽ chú tâm vào hành trình, đến lúc nào đó lại thấy ai là bạn đồng hành quan trọng nhất, giờ thì tôi quan tâm ai là người ở trong tâm trí. Có điều “ai” là một sự hiếm hoi, không phải ai cũng được hay cứ có người xung quanh là thích.

Q: Tò mò nhỉ, ai là người ở trong tâm trí bạn?
A: Dễ ợt, có cần phải nói ra không? Mà có khi cứ lấp lửng như thế này lại hay, để tôi còn có chuyện để hỏi “Này các ấy, hôm nay có tin tức gì hay ho về tớ không, kể tớ nghe với?”, “Ô, sao mà chuyện tớ vui thế?”, “Ê, chuyện của tớ đến đâu rồi?”…

Q: Thế bạn có thể chia sẻ điều gì liên quan?
A: Tôi có người thân bên cạnh, phòng riêng để tập trung, sách để đọc, hoạ phẩm để vẽ, sổ bút để viết, thiết bị kết nối để mở mang kiến thức, cái bếp để nấu ăn, cửa sổ để nhìn trời… Đại loại khi có nhiều giá trị để lựa chọn thì không nhất thiết phải theo xu hướng.

Q: Ai đó sẽ bảo rằng bạn đang ngụy biện.
A: Bạn hãy càng yên tâm, tôi không để ý đến những chỉ trích kiểu đó.

Q: Có lúc nào bạn thấy chán không?
A: Chưa có lúc nào mà tôi phải rủ ai đó đi chơi cho đỡ buồn tẻ, gọi điện nhắn tin tâm sự chuyện riêng,… mà nếu có sẽ kiểu “Ê lâu rồi không gặp nhau nhỉ”, “Tao mới biết chỗ này rất hay, đi không?” “Hôm nay không đi dạo là có lỗi với thời tiết”…

Q: Kỉ niệm vui của bạn trong năm qua?
A: Cũng nhiều, nhưng tôi muốn giữ lại phần lớn cho riêng mình. Để xem… Một kỉ niệm khá đáng yêu mà mỗi lần nghĩ lại tôi đều cảm thấy ấm áp. Ngoại ngữ mà tôi làm việc và giải trí hàng ngày là tiếng Anh và Ý, nhưng khi mệt mỏi hoặc buồn ngủ tôi không nói được tiếng Ý (chẳng hiểu tại sao). Trong một bữa tiệc với đại diện các trường đại học Ý, tôi nói bằng tiếng Anh, các anh chị không biết tôi nói được tiếng Ý nên ai cũng động viên “Em nên học tiếng Ý, tiếng Ý rất hay lại tốt cho công việc”, “Luna, anh chị dạy tiếng Ý cho em nhé”, “Để học được ngoại ngữ thì đừng sợ sai, em cứ nói đi”, “Nào Luna cố lên”, “Chúng ta hãy bắt đầu từ Ciao”… Đúng lúc đó thì một bạn Ý ào tới như cơn gió, và đương nhiên nói bằng tiếng Ý “Các anh chị biết không, hôm qua sinh nhật của Luna đấy, mà bạn ấy phải thức đến 2h sáng, bla bla…, nhỉ Luna nhỉ”. Thực ra lúc đó tôi muốn nổi đóa lắm, nhưng các anh chị lại cùng nhau nâng ly chúc mừng sinh nhật muộn nên xí xoá. Tuy nhiên… nếu còn kể ra như thế này chắc hẳn tôi vẫn thù dai vụ đó.

Q: Hôm nay chúng ta trò chuyện hơi lâu nhỉ.
A: Lẽ nào tôi trở nên hoạt ngôn?

Q: Là tôi đã đặt nhiều câu hỏi cho bạn.
A: Đùa vậy thôi, tôi không phải là người lấy ngôn từ ra dễ như lấy từ trong túi. Đôi khi tôi thấy mình giống mấy nhân vật trong các truyện ngắn của Italo Calvino, nhưng lại không phải là ông ấy nên không viết ra được. Thông thường, khi đang làm việc gì đó tôi mới bất chợt nảy ra ý nghĩ nào đó và nếu chép lại thì mới nhớ để phát triển thành một đoạn viết. Ngoài ra, cũng phải chọn lọc, tẩy xoá hoặc giữ riêng không đăng nữa.

Q: Bạn làm điều đó với chữ, thế có làm với người không?
A: Câu hỏi thú vị. Có đấy, tôi cũng tẩy xoá nhiều người, và chọn lọc một số ít người để duy trì mối quan hệ.

Q: Căng thẳng nhỉ?
A: Sao mà tôi hay làm bạn giật thót thế! Là tôi chỉ không nghĩ đến những người, những chuyện đẩu đâu nữa để tập trung cho một số người yêu quý thôi.

Q: À ra vậy. Bạn mong điều gì nhất trong năm 2024?
A: Sức khoẻ, cả cho tôi và mọi người. Riêng tôi, khi có sức khỏe thì mọi việc đều có thể biến thành tích cực.

Q: Chúc bạn năm mới vạn sự như Ý!
A: Cảm ơn, chúc bạn mọi sự toàn Ý!