Nessun dorma

Nessun dorma

“Nessun dorma” là một aria trong màn cuối vở opera Turandot của Giacomo Puccini (lời của Giuseppe Adami và Renato Simoni). Đây là một trong những bản tenor (giọng nam cao) hay nhất trong dòng nhạc opera. Khúc này được hát bởi Calaf, chàng hoàng tử vô danh, người đã yêu công chúa Turandot xinh đẹp nhưng lạnh lùng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Bất kỳ ai muốn kết hôn với Turandot đều phải trả lời ba câu đố của nàng; nếu thất bại sẽ bị xử trảm. Trong aria, Calaf bày tỏ niềm hân hoan tin rằng chàng sẽ được cưới công chúa.

Calaf đã trả lời chính xác ba câu đố mà Công chúa Turandot đặt ra cho tất cả những ai cầu hôn nàng. Tuy nhiên, nàng lại từ chối chàng trong nỗi tuyệt vọng vì những nỗi ám ảnh quá khứ dai dẳng. Calaf cho nàng một cơ hội bằng cách thử thách nàng đoán tên chàng vào lúc rạng sáng. Nàng có thể xử tử chàng nếu đoán đúng tên chàng, nếu không sẽ phải cưới chàng. Sau đó, nàng công chúa tàn nhẫn và lạnh lùng ra lệnh rằng không một ai trong số thần dân của nàng được ngủ đêm đó cho đến khi tên của chàng được đoán ra. Nếu họ thất bại, tất cả sẽ bị giết.

Màn cuối cùng mở ra vào ban đêm và Calaf trơ trọi trong khu vườn cung điện đầy ánh trăng. Ở đằng xa, chàng nghe thấy sứ giả của Turandot tuyên bố mệnh lệnh của nàng. Aria của chàng bắt đầu bằng tiếng vọng kêu la của họ và hình ảnh phản chiếu về Công chúa Turandot:

“Nessun dorma! Nessun dorma!
Tu pure, o Principessa,
nella tua fredda stanza,
guardi le stelle
che tremano d’amore, e di speranza!

Ma il mio mistero è chiuso in me;
il nome mio nessun saprà!
No, No! Sulla tua bocca,
lo dirò quando la luce splenderà!

Ed il mio bacio scioglierà
il silenzio che ti fa mia!
Il nome suo nessun saprà,
E noi dovrem, ahimè, morir, morir!

Dilegua, o notte!
Tramontate, stelle!
Tramontate, stelle!
All’alba, vincerò!
Vincerò! Vincerò!”

Không ai ngủ! Không ai ngủ! Nàng cũng vậy, Công chúa, trong căn phòng lạnh lẽo, ngắm những ánh sao run rẩy tình yêu và hy vọng! Nhưng bí mật của ta vẫn khép trong lòng, tên ta không một ai biết! Không, không, ta sẽ hé lộ trên môi nàng, khi ánh sáng ngập tràn! Và nụ hôn của ta sẽ xoá tan sự yên lặng biến nàng thành của ta. Cái tên không một ai biết, và rồi chúng ta cũng sẽ phải chết đi! Hãy biến đi hỡi màn đêm! Hãy mờ đi hỡi những ánh sao! Hãy mờ đi hỡi những ánh sao! Ta sẽ chiến thắng khi bình minh lên. Ta sẽ chiến thắng! Ta sẽ chiến thắng!

Cảnh cuối, chàng hôn nàng và tiết lộ tên Calaf ngay trước bình minh, thế nhưng không ai biết nàng sẽ quyết định thế nào trong tâm trạng giằng xé, bởi Giacomo Puccini đã qua đời năm 1924, để lại vở opera chưa hoàn thành. Năm 1926, Franco Alfano đã viết đoạn kết nhỏ vui nhộn, trong đó nụ hôn của Calaf khiến công chúa nhận ra rằng nàng yêu chàng, và mặc dù đã biết tên thật của chàng, nàng vần nói với quần thần “Tên chàng là Tình yêu” và họ sống hạnh phúc mãi mãi.

Thế nhưng nhạc trưởng Antonio Francesco Coppola lại viết một cái kết hoàn toàn ngược lại. Họ vẫn hôn nhau, nhưng nàng không nói “Tên chàng là Tình yêu” nữa, mà “Tên chàng là Calaf” và giải thích với thần dân rằng không người đàn ông nào có thể xóa bỏ nỗi kinh hoàng đã gây ra cho tổ tiên của nàng. Calaf bị xử trảm dù chàng là một người hôn giỏi. Khán giả đã đứng dậy và ồ lên tán thưởng trước cái kết này. Màn trình diễn và chỉ huy thật tuyệt vời, nhưng có một thông điệp sâu sắc hơn trong cái kết này: quan điểm nữ quyền.

Trong hầu hết các vở opera, phụ nữ không kiểm soát được số phận của mình. Isolde buộc phải kết hôn với kẻ đã giết chồng sắp cưới của nàng, Butterfly phải chờ đợi tình yêu trở lại, một gã đòi Tosca phải quan hệ với mình để giải thoát cho tình yêu của nàng… Nhạc trưởng Coppola không chỉ viết một cái kết phù hợp với thiên hướng bi kịch của Puccini mà còn trao cho Công chúa Turandot một điều mà phụ nữ không có trong các vở opera: kiểm soát số phận của chính mình.

“Nessun dorma” đạt vị thế trong nền âm nhạc thế giới sau khi bản thu âm năm 1972 của Luciano Pavarotti được sử dụng làm ca khúc chủ đề chương trình truyền hình BBC đưa tin về FIFA World Cup 1990 tại Ý. Mặc dù Pavarotti hiếm khi hát vai Calaf trên sân khấu, “Nessun dorma” đã trở thành aria đặc trưng của ông và là bài “thể thao ca” theo đúng nghĩa của nó, đặc biệt là trong bóng đá. Pavarotti đã hát aria này trong buổi hòa nhạc Three Tenors đầu tiên vào đêm trước trận Chung kết FIFA World Cup 1990 tại Roma. Hình ảnh ba giọng nam cao trong trang phục chỉnh tề hát tại buổi hòa nhạc World Cup đã làm say lòng khán giả toàn cầu. Album của buổi hòa nhạc đã đạt được gấp ba lần đĩa bạch kim chỉ riêng tại Hoa Kỳ và tiếp tục bán chạy hơn tất cả các bản thu âm cổ điển khác trên toàn thế giới. Con số này đã trở thành nét tiêu biểu của các buổi hòa nhạc Three Tenors sau đó, và họ đã tiếp tục biểu diễn tại ba trận Chung kết FIFA World Cup vào năm 1994 tại Los Angeles, 1998 tại Paris và 2002 tại Yokohama.

Pavarotti đã trình diễn “Nessun dorma” tại buổi biểu diễn cuối cùng của mình vào Lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Torino 2006 mà sau này người ta tiết lộ rằng ông đã hát nhép phần thu âm từ trước (tại thời điểm đó, Pavarotti không có khả năng biểu diễn vì đang mắc bệnh ung thư tuyến tụy, căn bệnh này khiến ông không qua khỏi vào năm sau). Bản ghi âm aria này đã được phát tại chính đám tang ông được cử hành bởi Không quân Ý. Vào năm 2013, ca khúc đã được chứng nhận vàng bởi Liên đoàn Công nghiệp Âm nhạc Ý.

Leave a Reply

Your email address will not be published.