Tôi có một số cuốn sách về nghệ thuật và âm nhạc, nhưng không ngấu nghiến đọc ngay lập tức mà chỉ thi thoảng mở ra. Thói quen của tôi là xem, nghe tác phẩm để cảm nhận với trái tim mình trước tiên. Điều này tránh ảnh hưởng đến mạch suy nghĩ tự nhiên, không phụ thuộc vào thông tin, cách kể chuyện, tư duy phân tích của những “người trung gian”. Tôi không đánh giá thấp “người trung gian”, bởi cần có tài năng, sự nhạy cảm và nghiên cứu thì họ mới viết nên những cuốn sách được đông đảo bạn đọc đón nhận như vậy; rồi thế nào tôi cũng sẽ đọc và học hỏi từ họ qua những góc nhìn của họ.
Tôi nghe ca khúc này một vài lần, nhưng không chú tâm lắm cho tới khi thấy ca sĩ Nhật trình diễn trong bế mạc Thế vận hội Tokyo. Sau khi tìm hiểu ca từ gốc và bản tiếng Nhật, tôi có thêm sự đồng điệu; vốn là người mơ mộng, lãng mạn và duy mỹ, tôi hứng viết ngay. Nếu như trước đây tôi không thích đặt lời Việt cho một ca khúc quốc tế và tốn cả tháng trời để hoàn thành, thì lời bài này được viết xong trong chưa đầy một ngày.
Buổi sáng thu âm bài này không hề yên ả, bỗng dưng có việc nọ việc kia nên bản thu bị lẫn lộn, ngắt thành mấy đoạn phải ghép lại. Đây cũng là một bài khó hát, cần chất giọng mạnh mẽ, sâu thẳm trong khi giọng tôi yếu dợt và buồn rầu. Cũng không sao, tôi tôn trọng tác giả, nghệ sĩ và cho riêng mình sự tự do ở một mức độ nào đó.
Như đã kể trên, viết lời Việt xong, thu âm xong rồi tôi mới đọc sách. Đó là cuốn “Còn sống là còn yêu” (nguyên bản là Edith Piaf, Sans amour on n’est rien du tout). Lúc đó tôi mới vỡ lẽ Edith Piaf có hẳn một bộ sưu tập người tình đồ sộ, và bài hát này như điềm báo cái chết của Marcel Cerdan, mối tình sâu sắc nhất và đau đớn nhất của bà. Trong chốc lát tôi băn khoăn “vì sao một ca khúc mang tính cá nhân đầy mất mát như vậy lại có thể xuất hiện trong đại hội thể thao lớn nhất thế giới”, rồi tự trả lời đó là dấu ấn lịch sử, tính biểu tượng, tài năng và cuộc đời của một nghệ sĩ có ảnh hưởng lớn đến nền âm nhạc, sự kết nối những tâm hồn xuyên không gian thời gian, tình yêu đẹp vĩnh hằng giữa một người nghệ sĩ và một võ sĩ. Và còn vì Thế vận hội tiếp theo sẽ được tổ chức tại Paris.
✿ THÁNH CA TÌNH YÊU
(L’Hymne à l’amour)
Ánh mắt dịu dàng và vòng tay ấm êm | Rót lên môi mềm lời thì thầm dấu yêu
Nụ hôn đó là giấc mơ đẹp nhất | Trái tim em rộn rã hân hoan
Nếu một ngày bầu trời xanh vỡ tan | Trái đất này chìm vào trong giá băng
Tình em hỡi người vẫn luôn rạng rỡ | Sáng lung linh tựa ngàn vì sao vĩnh hằng
Dù dòng đời mông mênh biển lớn | Dù lòng mình chông chênh xa bến | Thì tình đó mãi dành mình anh
Tròng trành trong phong ba bão tố | Gập ghềnh trong mưa giông sóng gió | Anh soi lối dẫn đường vượt qua
Sà vào vòng tay nhau ấm áp | Nụ cười vui môi hôn chất ngất | Và mình hát khúc nhạc tình yêu
Anh mang ánh sáng vào đời em | Em mang hoa thắm vào đời anh | Và tình yêu luôn là dâng hiến
Nếu một ngày cuộc đời chia cắt đôi ta | Số phận buộc mình phải rời nhau cách xa
Dù cái chết chia lìa hơi thở ấm | Trái tim anh vang vọng mãi trong em
Nếu một ngày bầu trời xanh vỡ tan | Trái đất này chìm vào trong giá băng
Tình yêu chúng mình vẫn luôn rực cháy | Sáng bao la tựa vầng dương vĩnh hằng
Chúa dang tay ôm trọn ta chốn thiên đàng ✿
Thế giới ảo này lại là nơi tôi chuyển cảm xúc chân thực của mình thành điều mà người khác có thể cảm nhận, bởi thế giới sẽ chỉ là bóng đêm nếu tất cả chìm trong im lặng và bất động. Tôi lặng lẽ nhưng không im lặng. Có thể hiếm người để tâm cảm nhận hoặc có để tâm nhưng nhịp tim không đồng điệu. Bản thân tôi không mang tác phẩm đi quảng bá rộng rãi, gia đình tôi ba trăm đời không ai theo ngành nghệ thuật hay đam mê nghệ thuật; bạn học, bạn đồng nghiệp thân thiết của tôi hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác hoặc theo đuổi nhiều phong cách khác. Tôi không buồn về điều này, bởi không đặt kỳ vọng dù giản dị hay lớn lao, và tôi biết rằng vẫn có trái tim mà tôi chạm đến được. Vậy là đủ.