Thú vui

Thú vui

Đây là một bài luận hồi đại học của tôi, được viết trực tiếp bằng tiếng Ý sau đó mới dịch sang tiếng Việt. Chuyện thật như đùa, hồi ấy tôi không có thói quen viết tiếng Việt. Thời phổ thông, tôi học chuyên Tự nhiên và bộ môn Xã hội đối với tôi là một nỗi khổ sở; những gì tôi viết ra đều máy móc, thiếu sáng tạo, không chính kiến, dù thầy các thầy cô ai cũng giỏi và tận tâm với học sinh. Sau này, nhờ Toán và tiếng Anh kéo lên tôi mới đỗ được vào đại học khối D để có cơ hội học tiếng Ý và “bị” cuốn vào guồng viết lách. Thật may, tôi lại tiếp tục được gặp những thầy cô tốt, chỉ khác là tôi được thoả trí tưởng tượng, không bị gắn vào một tác giả tác phẩm nào đó hay cấu trúc “kinh điển” Mở bài – Thân bài – Kết luận. Thông thường, thầy cô cho chúng tôi một đề tài, một từ để tìm tòi viết bài hoặc kiểm tra vấn đáp. Bài nào tôi cũng vật vã tìm từ mới, cấu trúc câu, chia các loại động từ… khiến các thầy cô cũng vất vả sửa, gạch xoá và chất vấn (cơ mà vui). Vô tình tìm được bản dịch này, tôi đăng lên đây giữ làm kỉ niệm.

PASSATEMPI

Theo tôi, thiếu thú vui trong cuộc sống cũng như thiếu rượu trên bàn tiệc. Thiếu rượu có khi tiệc vẫn rộn ràng nhưng lại văng vắng chất men, chất thơ, chất nghệ, hay nói đơn giản, văng vắng chất xúc tác cho nguồn cảm xúc.

Thú vui làm giảm đi, thậm chí còn giúp tiêu tan, bao nỗi ưu phiền mệt nhọc mà ai trong chúng ta cũng phải đối mặt dù nhặt hay thưa dù nhiều hay ít. Nó khiến ta thêm yêu cuộc đời và ban cho chúng ta niềm tin để bước trên những chặng đường dài phía trước.

Nhưng tận hưởng quá nhiều thú vui mà lơ là tất cả cũng sẽ khiến ta mệt mỏi và vấp ngã như việc uống quá nhiều rượu, thú vui không lành mạnh cũng sẽ giết dần giết mòn ta như những ly rượu độc. Cho nên thú vui cũng cần được lựa chọn.

Cũng như việc chọn rượu cho bữa tiệc của mình, mỗi người chọn thú vui tùy vào sở thích, tuổi tác, điều kiện kinh tế, văn hoá, phong tục tập quán. Có điều chất lượng của thú vui không nằm trong giá cả.

Giới trẻ ngày nay thường ưa thích những hoạt động vui nhộn, ầm ĩ, bùng nổ như vũ trường, chơi game, kết nối Internet… Họ sống nhanh, sống gấp như thể ngày mai thế giới sẽ đóng băng. Tôi thì không thuộc tuýp người đó, tôi hài lòng với cách sống chậm. Tôi mơ cuộc sống dưới thời Phục hưng, ngồi hàng giờ ngắm những bàn tay khéo léo và bền bỉ của những nghệ sĩ bậc thầy cùng kiệt tác từ từ hình thành như đứa con đang lớn dần trong bụng mẹ, ở nước Áo thế kỉ XVIII say sưa trong những điệu Waltz cung đình, ở Mỹ thế kỉ XIX trong trang phục một chàng cowboy cưỡi ngựa rong ruổi trên núi non sỏi đá…

Nhưng ước ao chỉ là ước ao, tôi vẫn là con người của thế kỷ XXI, không thể quay về quá khứ. Mà nếu có quay về quá khứ, chắc gì tôi đã được đưa đẩy vào đúng những bối cảnh đó? Và nếu được đưa đẩy vào đúng những bối cảnh đó, chắc gì tôi không muốn thoát ra? Chắc gì tôi không mơ mộng tương lai? Công bằng mà nói, ở một hoàn cảnh nhất định, nếu không có thứ này thì tôi lại có thứ khác, mất thứ này tôi lại được thứ kia. Điển hình là một vật mà tôi cần nó như một nguồn không khí trong lành: chiếc radio. Nhờ nó mà tôi có thể nghe được những giai điệu, cảm xúc từ nhiều nơi trên thế giới. Tôi gần như luôn nghe nhạc khi một mình. Dù là đang làm gì tôi cũng vẫn có thể nghe nhạc. Ăn – nghe nhạc, học – nghe nhạc, ngủ – nghe nhạc,… thậm chí nghêu ngao bài nọ khi đang nghe bài kia.

Những trò tiêu khiển khác thì thật chẳng khi nào giống khi nào, mà tôi toàn làm theo hứng. Có hôm tôi dành cả ngày tròn để cố đan cho xong một cái áo hay cắm đầu miên man không thèm ngẩng lên để tô tô vẽ vẽ. Rồi cho dù kết quả có không được như mong muốn, tôi cũng hạnh phúc vì thực sự được đắm chìm, và trong quá trình đó, tư duy của tôi cũng có khoảng lặng cho mình để lướt tự do, ngẫu nhiên, vô thức hoặc có ý thức.

Còn khi ở bên người thân, tôi thích nấu nướng, chơi bài, chơi cá ngựa, tán gẫu, đùa giỡn… Nhưng thật ra, những buổi như thế không thường xuyên vì tôi thường dành thời gian cho riêng mình. Và có lẽ vì lý do này mà tôi thích câu cá. Bên hồ nước trong xanh hoa tím dập dềnh, dưới bầu trời thanh bình, trên những sóng cỏ mát rượi, xung quanh phảng phất hương đồng gió nội… tôi vui thú “lừa” những chú cá háu đói. Chỉ có điều sau đó không có cuộc nướng hay rán thơm nhức mũi vì mỗi khi “lừa” thành công chú nào tôi lại trả tự do luôn chú đó.

Sở thích đấy không có gì lạ lắm, tôi còn có một kiểu “giết thời gian” khác, có thể khiến nhiều người cáu. Số là tôi có những đồ vật be bé, xinh xinh, sặc sỡ đủ màu cùng đống sách vở bọc loè loẹt và tô màu tưng bừng bên trong. Nhiều khi tôi chẳng làm gì, chỉ bày la liệt và ngồi ngắm: trên bàn, trên sàn, trên giường… tóm lại bày ở bất cứ nơi nào có thể bày, trông cứ như một nhà trẻ.

Thế mà tôi lại vẫn có một thú vui ngược hẳn. Tôi nhớ đến câu nói của một nhà nghiên cứu phê bình Mỹ thuật “Có kẻ thu mình, ngồi một góc mà tưởng tượng ra tận đẩu tận đâu, hoạ sĩ là người như vậy. Lúc nào cũng co ro, mơ mộng theo khói thuốc. Loáng cả bao, khói mù mịt mà mộng chưa tan”. Tôi không hút thuốc, cũng không phải là hoạ sĩ. Nhưng đôi khi tôi cũng ngồi bó gối trong phòng, thả tâm hồn cho nó đến nơi nào thì đến, lúc thực lúc hư, khi thế giới này khi thế giới khác. Và thật lạ là sau mỗi lúc như vậy tôi lại ngạc nhiên trước sự phiêu du của tâm hồn mình. Đó là khoảnh khắc chỉ mình tôi trên thế gian nhưng không hề cảm thấy cô đơn và không nhớ đến bất cứ điều gì khác. Có lẽ đây là thú vui đặc biệt nhất.

Tôi không biết những điều vừa kể trên có gọi là “passatempi” trong tiếng Ý không, nhưng ngoài việc đó ra thì tôi không còn nhiều thời gian cho những hoạt động khác ngoài việc học. Bởi vì tôi còn một thú vui không thể không nói tới, đó là học tiếng Ý. Tôi hay mơ tưởng những điều sẽ làm khi được đặt chân lên “Đất nước xinh đẹp”, mà hành trang không thể thiếu là ngôn ngữ và kiến thức về nền văn hoá Ý.