Đáp lại bài viết “Tiếng nước ta” của bác Nguyễn Lân Dũng – Giáo sư, Nhà giáo nhân dân trên tạp chí điện tử VNExpress.
Về vẻ đẹp của tiếng Việt, tôi đã từng viết và dịch một đoạn ngăn ngắn trong luận văn tốt nghiệp.
Dịch thể loại này rất thú vị bởi tôi yêu ngôn ngữ trẻ thơ, đồng thời sự phong phú và linh động trong tiếng Việt và tiếng Italia giúp trí tưởng tượng của tôi đi xa hơn. Hai ngôn ngữ có nhiều cuộc “đối đầu” bất phân thắng bại. Nếu như tiếng Việt mình có tổ hợp từ láy mang tính biểu cảm, tượng thanh, tượng hình, làm tăng thêm hoặc giảm nhẹ sắc thái của từ gốc thì tiếng Italia cũng có một dạng biến đổi hậu tố, tuy không theo kiểu láy nhưng cũng đảm nhiệm chức năng truyền cảm này; trong chừng mực tôi biết thì tiếng Anh không có hiện tượng ngữ pháp nói trên. Các bạn có để ý thấy ba từ in nghiêng miêu tả âm thanh tự nhiên trong bản gốc tiếng Italia giống từ láy không? Tuy nhiên lại không thuộc hiện tượng tôi vừa nhắc tới, thế mới phức tạp! Tiếng Việt có những thừa từ, kiểu biết bao nhiêu là thay cho nhiều, đâu nhé thì chẳng thay cho cái gì cả; người Italia thì thích sử dụng thán từ kinh khủng, kiểu quỷ thần ơi, khốn khổ, tội thân tôi, Chúa ơi, vì lòng thương, vì tình yêu của Chúa trời… (có những từ còn “thậm tệ” hơn nhiều mà người ta gào cả trong phim, trên TV, trên đài…); hay trong khi trẻ con Việt Nam mình nói vui ơi là vui thì trẻ con Italia lại nói vui một thế giới, vui một đại dương…
Trong Khu rừng Thần tiên vang lên biết bao nhiêu là âm thanh: này tiếng róc rách của những con suối, tiếng ầm ào của những ngọn thác, tiếng xạc xào của lá cây, tiếng thánh thót của nhuỵ hoa, tiếng thầm thì của gió, lời ca của những chú chim, rồi tiếng rầm rì một câu chuyện bí mật của những con thú nhỏ. Về đêm, những bản nhạc êm dịu như được toả ra từ các vì sao, các hành tinh. Âm nhạc cũng ngân lên trong hội tiên. Giai điệu uyển chuyển khiến các cô tiên cậu tiên không thể đứng yên: tất cả cùng nhảy lên, bay lượn và khiêu vũ. Những khúc nhạc được chọn và điều khiển trên cây nấm điện bởi một cậu tiên có đôi mắt rất tinh làm ai nấy đều hứng khởi. Các cô cậu tiên cứ khiêu vũ thế mãi, vui ơi là vui… Nhưng chẳng ai thấy mệt đâu nhé!
Nella Foresta Incantata riecheggiano mille suoni: il gorgoglio dei ruscelli, il frastuono delle cascate, il fruscio delle foglie, il tintinnio delle corolle, il sibilo del vento, il ticchettio della pioggia, il canto degli uccelli e il chiacchiericcio degli animaletti che si sussurrano segreti. Di notte, sembra che stelle e pianeti diffondano una musica dolcissima. Anche nelle feste delle fate la musica non manca. È un ritmo trascinante, che impedisce a fatine e folletti di stare fermi: tutti volano, ballano e saltano. I brani musicali sono scelti da un folletto dagli occhi vivacissimi che, manovrano un fungo tecnologico, fa scatenare tutti quanti. Le fate ballano senza fermarsi mai: si divertono un mondo… e si mantengono pure in forma!
(Feste delle Fate, Meg Magic e Lucy Lucette) – Âm nhạc và vũ hội
Về thuật ngữ hóa học, nên để nguyên gốc để có thể hình dung ra công thức của nó (tôi học chuyên Hóa nhưng “diêm toan”, “lưu toan” không tìm ra trong ký ức, mà chỉ còn nhớ “cường toan” là chất được pha từ nitric acid và hydrochloric acid đậm đặc theo tỉ lệ 1:3 có thể hòa tan được vàng và bạch kim. Cho rằng “toan” là acid đi, “lưu” khiến liên tưởng đến lưu huỳnh nhưng có dễ đoán được “diêm” là hydrochloric đâu cơ chứ, cứ tưởng gì đó liên quan đến phosphoric acid hay phosphorous acid.
Về từ vựng kĩ thuật, tôi cũng gặp nhiều may mắn. Hồi chập chững vào công ty lớn, tôi làm trợ lý của bác Giám đốc dự án, đi nhiều nơi với các chuyên gia Ý thuộc các nhóm lĩnh vực khác nhau, gặp gỡ đối tác đến từ nhiều quốc gia, phải xoay sở khá vất nhưng đều “trót lọt” và vui vẻ, lại được mở mang thêm nhiều điều vì các bác đều tốt bụng, nhiệt tình, có bác lại còn rất ma mãnh trong thương thuyết (như phim ấy). Không tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật hay kinh tế, may sao tôi lại đọc được bản vẽ và có tí tư duy logic cơ bản. Nhiều lúc các bên tranh luận rất quyết liệt, tôi có tư tưởng “dĩ hòa vi quý”, khi dịch phải lọc và làm mềm ngôn từ. Có hôm phải quay vòng 3 thứ tiếng Việt – Ý – Anh như chong chóng, mọi sự tập trung đổ dồn vào tôi, áp lực ghê gớm; lúc cả 3 thứ tiếng ấy trút lên đầu vì người nọ không biết rằng người kia cũng đang nói với tôi, tôi được quyền giơ tay ra hiệu ai đó dừng nói lại. Áp lực này giảm bớt khi ngồi ở bàn ăn, ví dụ có lần ngồi đối diện Miura và cạnh một stylist người Ý, trong khi tám chuyện với Miura về bóng đá thì vẫn có thể an ủi bác stylist càm ràm không ngớt về công việc.
Về từ vựng tin học, vì muốn đạt được cấu trúc và giao diện website theo ý riêng, tôi phải xem nhiều video và đọc tài liệu tiếng Anh đến nỗi giờ không hiểu những nội dung đó là gì nếu được biên dịch sang tiếng Việt.
Về tên người, tôi chưa bao giờ thích tên phiên âm kiểu Trung Hoa của người không phải gốc Trung Hoa (Lâm Đại Ngọc, Giả Bảo Ngọc, Lý Tiểu Long, Củng Lợi, Trương Nghệ Mưu… tôi thấy rất hay, nhưng mấy ai biết Mã Lý Liên Mộng Lỗ là ai? Đó là Marilyn Monroe). Hoặc bất cứ cuốn sách nào không phải gốc Trung Hoa mà có phiên âm sang tiếng Việt kiểu Anh-xờ-tanh, Lê-ô-na đờ Vanh-xi (đã bị phiên âm rồi lại còn phiên âm theo kiểu tiếng Pháp) hay Xờ-ca-lét, Rét Bất-lơ… thì tôi tuyệt đối không rước về nhà.
Về việc sai chính tả, viết tùy tiện, đúng là nỗi lòng của tôi bấy lâu nay. Trót lỡ nhạy cảm với ngôn từ rồi, nên liếc thấy ai đó chưa nắm vững tiếng Việt cơ bản là tôi chẳng buồn đọc xem họ viết gì.
Về điểm thi đại học, xin thú nhận là tôi đỗ do được Toán kéo lên, tiếng Anh lúc đó cũng chỉ làng nhàng còn Văn thì dưới 5.
Về tác phẩm văn học, lại một thú nhận, đó là tôi rất hiếm khi đọc văn học Việt Nam mà chủ yếu là văn học dịch từ tiếng nước ngoài (thế nên tốt nhất không nói thêm gì về điểm này nữa, tự tôi sẽ phải xử lý bản thân).
Bài viết “Tiếng nước ta” chạm đúng “nỗi lòng” của tôi, mỗi tội tôi phát hiện ra một chữ viết chưa chuẩn, đó là “tác giả” lại thành “tác gỉa” hoặc trong bình luận được nhiều người thích nhất có từ “chuyển tải” (nghĩa là vận chuyển một thứ đi đâu đó, như transport) lẽ ra là “truyền tải” (như transmit) hoặc sau dấu ba chấm “…” thì cần phải có một khoảng cách chứ không dính liền với từ tiếp theo.
Chuyện vui kết bài: Tôi từng hỏi đứa bạn Pháp “Sao nước ấy đọc số phức tạp thế, ví dụ như 98 không đọc kiểu “chín mươi tám” như tụi tớ với tụi Anh, mà lại phải “quatre vingt dix huit” – nghĩa là “bốn hai mươi mười tám”?”, nó ngạc nhiên “Ừ nhỉ, ấy nói tớ mới biết, lâu nay quen rồi có để ý là phải làm tính nhân tính cộng đâu”; trong khi đó, nếu viết số tiếng Ý thành chữ thì các từ phải dính bết vào với nhau, ví dụ 1945 thành “millenovecentoquarantacinque”!
Photo courtesy: Khanh Phan